Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội; các tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đây là lần thứ 3 Thủ tướng đến thăm Khu công nghệ cao này trong vòng hơn 1 năm qua (kể từ ngày 16/2/2017). Và hơn 3 tháng sau ngày Thủ tướng thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đến tháng 6/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hoà Lạc với những nguyên tắc ưu đãi và tạo thuận lợi nhất để tháo gỡ các khó khăn, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào đây.
Thủ tướng đã gặp gỡ những người quản lý, nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trải nghiệm công nghệ của các nhóm nghiên cứu, tập đoàn, doanh nghiệp đang đầu tư vào Hòa Lạc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo một số bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chuyến thăm thể hiện quyết tâm chính trị và sự kỳ vọng vào khu công nghệ cao này, là nơi đóng góp vào phát triển nền khoa học công nghệ của Việt Nam, là nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thủ tướng đánh giá, đến nay mặt bằng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản được bàn giao, hạ tầng giao thông, điện nước, vận tải đã được thiết lập. Thủ tướng nhìn nhận Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, với nhận thức đúng đắn rằng sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc chính là của Thủ đô, từ đó để Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành cực tăng trưởng cao, bền vững của Hà Nội.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải đẩy mạnh phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới, khi mà tình trạng chậm trễ nhiều năm đã để tuột mất nhiều thời cơ phát triển. Phải kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để trên phạm vi quốc gia, các khu công nghệ cao phát triển đồng bộ, nhanh hơn. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP, các bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành các thông tư liên quan.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải được cụ thể hóa. Đây là điều quan trọng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội để xử lý cho khu công nghệ cao. Trước mắt, Hà Nội ứng trước vốn để giải phóng dứt điểm mặt bằng.
Với các kiến nghị của Tập đoàn Nidec về việc đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tập hợp xem có vướng mắc gì cần xin ý kiến Chính phủ để sớm cấp giấy phép cho Nidec triển khai dự án.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ban quản lý khu công nghệ cao phải tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư để đây thực sự là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho công nghệ cao, thu hút có trọng tâm, trọng điểm, sớm lấp đầy khu công nghệ cao. “Có vấn đề gì vướng mắc thì các đồng chí phải chủ trì họp xử lý không để văn bản giấy tờ qua lại, mất thời gian”, Thủ tướng nói.
Phát biểu tại cuộc làm việc, bày tỏ không hài lòng khi đến nay chưa có thông tư hướng dẫn Nghị định 74, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phải làm quyết liệt hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng chia sẻ, đây không phải khu công nghiệp mà là khu công nghệ cao, cho nên vốn đầu tư, doanh thu hay kim ngạch xuất khẩu cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất là làm sao từ đây có nhiều sáng chế, phát minh và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho rằng, đến năm 2017, Khu công nghệ cao đã hội tụ đầy đủ 5 yếu tố để thành công: Quy hoạch, cơ sở hạ tầng, cơ chế, đầu tư và nhân lực.
Thủ tướng thăm khu giới thiệu một số sản phẩm công nghệ được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhằm tiếp cận và đón nhận thời cơ, lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã bước đầu triển khai hoạt động về giới thiệu, trình diễn và chuyển giao công nghệ, tiếp nhận và thiết lập 30 nhóm ươm tạo trong đó 7 nhóm đã tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng thông tin về khoa học và công nghệ đã được xây dựng với gần 3.500 bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích và gần 1.000 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ... để hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.
Sau buổi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm dự án Hanwha Aero Engines Việt Nam của Công ty Hanwha Techwin, Hàn Quốc, với mức đầu tư 200 triệu USD, chuyên sản xuất động cơ máy bay. Theo kế hoạch đến tháng 4/2018, nhà máy đầu tiên của Hanwha Techwin sẽ đi vào hoạt động. Đây là một trong những dự án công nghệ cao tiêu biểu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc./.