Ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722 ngày 02/9/2016 là trên 41.400 tỷ đồng. Đến năm 2020, Ngân sách Trung ương đã bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 42.300 tỷ đồng (đạt 101,02%), vượt 1,02% so với chỉ tiêu ngân sách Chương trình được Quốc hội phê duyệt. Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần. Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội – cho hay: "Thành quả về giảm nghèo là kết quả kiên trì của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế…đây là thành công của chúng ta; Và đây là một hoạt động, một công việc có ý nghĩa nhân văn của chúng ta trong công cuộc xây dựng đất nước để cho người nghèo được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế, văn minh, cũng như tiến bộ trong thời kỳ mới".
Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay, TPHCM chỉ còn 0,13% hộ nghèo và 0,61% hộ cận nghèo so với tổng hộ dân, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố giai đoạn 2019 – 2020 và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X đề ra trước thời hạn 1 năm. Đặc biệt, cuối năm 2016, Thành phố không còn hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Hiện Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện chính sách ưu đãi người có công (chuẩn giai đoạn 2019 – 2020); có 5 quận và 85 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo; 01 quận và 23 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo giai đoạn 2019 – 2020.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho hay: Qua nghiên cứu, Thành phố cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025; Đồng thời, đề xuất một số cách làm riêng của Thành phố, đó là: "Thứ nhất, không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà chỉ là 01 chỉ số về thiếu hụt thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều, với ngưỡng thiếu hụt thu nhập là 36 triệu đồng/người/năm (chuẩn nghèo đa chiều gồm 05 chiều nghèo, 10 chỉ số);
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Trung ương và các chính sách đặc thù của Thành phố;
Thứ ba, thực hiện hỗ trợ có điều kiện trong việc kéo giảm các chiều, chỉ số thiếu hụt về giáo dục – đào tạo, việc làm, Bảo hiểm xã hội (tập trung hỗ trợ ít nhất 3 lần hoặc liên tục trong 3 năm mà người nghèo, cận nghèo không tham gia xem như không có nhu cầu trợ giúp và không thiếu hụt).
Thứ tư, hộ thoát mức chuẩn hộ cận nghèo được tiếp tục hỗ trợ chính sách an sinh xã hội như hộ cận nghèo trong 24 tháng kể từ khi thoát cận nghèo".
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi. Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực cho tất cả mọi người ở mọi nơi, đến năm 2025, giảm ít nhất 25% tỷ lệ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia, duy trì mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5%/ năm; riêng các huyện nghèo duy trì mức giảm 3,5-4%/ năm.
"Cùng với phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đảng, nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện hóa chủ trương đó, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành khoảng 20% đầu tư hỗ trợ trực tiếp cũng như thông qua các chương trình, các dự án, chính sách cho mục tiêu giảm nghèo; Đặc biệt, triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – khẳng định.