Chờ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam cần một chiến lược xuất khẩu toàn diện

(VOH) - “Việt Nam cần một chiến lược xuất khẩu toàn diện” – đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu vào sáng 23/4.

3 nhóm giải pháp lớn cho xuất khẩu

Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ đô la Mỹ. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 21% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của VN còn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu do sản xuất.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện với hơn 45 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 32%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 26 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 37%. 

Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nêu một số rào cản: xuất khẩu của Việt Nam từ dầu thô đẩy mạnh sang nhóm hàng điện tử nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa được đa dạng hóa theo hướng bền vững. Nếu không tính hai mặt hàng máy vi tính và linh kiện điện tử, thì tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 mới chỉ đạt gần 16%.

Xuất khẩu của khối này cũng phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động lớn.

Tình trạng một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính, cá biệt, có mặt hàng phụ thuộc vào 1 thị trường duy nhất, đây là rủi ro rất lớn nếu những thị trường chiếm đa số này có biến động…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh, để thúc đẩy xuất khẩu trong năm nay, Bộ đã đề xuất giải pháp thành 3 nhóm lớn gồm: Nhóm giải pháp tác động về phía cung, phía cầu, nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, khâu tổ chức sản xuất:

Thứ nhất, nhóm giải pháp tác động về phía cung, tập trung thúc đẩy sản xuất phát triển tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. "Để thúc đẩy nông sản, thủy sản một cách bền vững, chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường sản xuất nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường, tập trung vào những việc cần làm ngay gồm: nghiên cứu mở rộng diện tích trồng điều ở những vùng liên quan đến khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp vì chúng ta đang là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu đã lên tới 3,5 tỷ đô la Mỹ/năm nhưng hàng năm chúng ta phải nhập trên 1 triệu tấn điều thô với trong tổng nhu cầu là khoảng 1,4 triệu tấn. Chúng ta sản xuất điều phục vụ cho xuất khẩu”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói. 

Riêng ngành dệt may Việt Nam, năm 2017, các mặt hàng xuất khẩu ngành này đạt hơn 31 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này trong quý 1/2018 thì ước đạt hơn 7,6 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 13%. Bên cạnh nhiều triển vọng, ngành này hiện nay chỉ gia công xuất khẩu là chính.

Hiện nhiều địa phương rất ngại cấp phép cho các dự án dệt nhuộm, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Nếu địa phương không cấp phép cho các dự án chuyển nhượng, thì ngành dệt may muôn năm chỉ là đi gia công thôi. Bởi vì làm gì có vải cung cấp cho ngành dệt may xuất khẩu, do đó tỉ lệ nội địa hóa không thể nâng cao lên được.

Cho đến nay, dưới 10%doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào nhuộm, còn lại 90% đầu tư vào may. Về ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp nằm trong khu công nghệ cao thì chúng tôi cũng đề nghị cần có sự bình đẳng hơn”.

Buổi họp trực tuyến tại điểm cầu TPHCM

Theo ông Trương Đình Hòe – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản VN năm 2018 đặt ra mục tiêu đạt 10 tỷ đô la Mỹ, trong đó, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có nhu cầu cao với sức mua lớn.

Riêng xuất khẩu tôm, mục tiêu đặt ra năm nay đạt 4,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 22%. Để đạt mục tiêu này, ông Trương Đình Hòe kiến nghị, cần quan tâm đến tác động, phòng ngừa xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện 70% nguyên liệu xuất khẩu thủy sản nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long về con tôm, con cá tra do ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ quyết định vấn đề giá thành của nguyên liệu sản xuất của VN.

“Cần có đánh giá ảnh hưởng xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long và đề ra biện pháp nhằm cân đối 3 yếu tố: thời vụ thả nuôi, sản xuất giống và sản xuất thức ăn nhằm tránh tình trạng thiếu thừa, dẫn đến tăng cao giá thành nguyên liệu. Sản lượng thu hoạch và chất lượng nguyên liệu thủy sản sẽ là yếu tố góp phần làm cho vấn đề xuất khẩu thủy sản làm cho xuất khẩu thủy sản ổn định và bền vững hơn.

Chúng tôi kiến nghị về sản xuất giống thủy sản. Đây là vấn đề lâu dài. Chúng tôi đều đánh giá rằng, hiện nay, nỗ lực từ các Bộ, ngành, Chính phủ đang tập trung rất lớn cho công tác sản xuất giống, làm sao để đảm bảo và cung cấp giống tốt, giảm rủi ro, giảm hàng giả hàng gian giúp người nông dân ổn định nâng cao năng suất” - ông Trương Đình Hòe đề đạt.

Liên kết cùng phát triển

Ghi nhận các kiến nghị của các hiệp hội ngành nghề, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công thương cần có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu toàn diện trên cơ sở nghiên cứu thị trường, chiến lược, mẫu mã, tâm lý người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy, năng động hơn, hợp tác liên kết cùng phát triển, cùng có lợi, nhất là những tỉnh có lợi thế.

Vấn đề giảm chi phí, theo Thủ tướng rất quan trọng như: logictics, vốn, thủ tục, tiền lương, đặc biệt là chi phí “không chính thức”, quản lý chất lượng sản phẩm.

Thủ tướng cũng đề nghị điều tra khởi tố vụ cà phê pin, bột chữa ung thư than tre, bơm chì vào tôm xuất khẩu tác động tiêu cực đến những sản phẩm chất lượng, kiên quyết tẩy chay hàng gian, hàng giả.

“Nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là huy động các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tái cơ cấu tổ chức sản xuất. Một số thế mạnh của Việt Nam củng cố tốt hơn nữa, ví dụ chương trình công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp da giày, dệt may, gỗ…

Tất cả ngành này thống kê lại hết để có chỉ tiêu rà soát công nghệ ở đâu, vốn liếng ở đâu, thị trường ở đâu để phát triển các loại hình công nghiệp.

Các địa phương phải quan tâm chỉ đạo từ kiểm tra, kiểm soát chất lượng đến địa điểm làm logictics, đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu… Những địa phương có đầu ra làm xuất khẩu phải tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại: Cao Bằng, Quảng Ninh, các tỉnh biên giới VN – Campuchia; VN – Lào; VN – Trung Quốc; các cảng biển lớn như: Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều cảng biển khác… điều này rất quan trọng tạo thuận lợi cho xuất khẩu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo. 

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp VN ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, đa dạng hóa chất lượng, mẫu mã xuất khẩu các mặt hàng: thủy sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu, da giày, trái cây, phần mềm, máy tính, gạo…

Những thị trường này dự kiến có thể tăng lên 15-20% trong những năm tới; kiểm soát nhập siêu, có chiến lược xuất khẩu toàn diện; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tạo liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), tập trung phát triển linh kiện, máy móc, thiết bị; phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn trong xuất khẩu; tập trung tháo gỡ về thanh toán, thuế phí, kiểm tra liên ngành, chi phí sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng hoàn thiện hệ thống logictics đường sông, đường bộ theo chủ trương của Chính phủ. Chi phí logictics hiện chiếm đến 2% GDP, đây là yêu cầu khách quan và bức bách; tìm kiếm thông tin, mở rộng thị trường bài bản, tháo gỡ rào cản, xử lý vấn đề phát sinh, chống trợ cấp, chống bán phá giá, xâm nhập vào kênh phân phối của các tập đoàn bán lẻ trên thế giới, bám sát tín hiệu thị trường, tái cơ cấu nền nông nghiệp.