Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 ngày 29/8/2005, Kết luận số 27 ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 vừa diễn ra dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu TPHCM.
Cùng tham dự và chủ trì tại điểm cầu TPHCM còn có: Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị được triển khai theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và kế hoạch của Ban chỉ đạo. Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đối với nước ta và khu vực; diện tích trên 30,5 ngàn km2 (9,2% diện tích của cả nước); dân số khoảng 21,9 triệu người (22% dân số cả nước); GRDP chiếm hơn 35% cả nước; đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần, đô thị hóa gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển mạnh, đi đầu cả nước, là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.
Để hội nghị thành công và đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát nội dung Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị để đánh giá khách quan, thẳng thắn, trung thực, có phân tích, so sánh số liệu, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trọng tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Phân tích, đánh giá, nêu bật những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực, chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của Vùng và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, tác động tới sự phát triển của vùng và cả nước, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Vùng; nhận diện, làm rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng; đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, đột phá với vùng này".