Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác cung cấp vốn vay và viện trợ ODA song phương lớn nhất và đối tác hợp tác lao động thứ nhất, nhà đầu tư thứ ba, đối tác thương mại, du lịch thứ tư của Việt Nam.
Năm 2023, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản hiện khoảng 600.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định, quan hệ hợp tác tài chính là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Nhật Bản đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ tài chính hiệu quả để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 của sân bay quốc tế Nội Bài và gần đây nhất là tuyến Metro số 1 TPHCM (Bến Thành-Suối Tiên) đã chính thức vận hành thương mại từ cuối tháng 12/2024.
Vừa qua, các bên đã tiến hành nhiều biện pháp tái cơ cấu để dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) nâng cao hiệu quả hoạt động và bước đầu đã có kết quả.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Katsunobu thúc đẩy Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tích cực hơn nữa trong tham gia tái cơ cấu dự án này.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn cho phát triển, triển khai các dự án với tốc độ nhanh và hiệu quả, phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, đạt mức 2 con số trong những năm tiếp theo để đạt mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045. Do đó cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản.
Thủ tướng đề nghị phía Nhật tiếp tục hỗ trợ tài chính, thúc đẩy ODA thế hệ mới dành cho Việt Nam phù hợp tình hình hiện nay với lãi suất ưu đãi, cơ chế đơn giản, thủ tục linh hoạt, triển khai nhanh để thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược mang tính thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, điện hạt nhân, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM…
Thủ tướng mong muốn Nhật Bản tiếp tục hợp tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số dự án lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, trao đổi các mặt hàng có thế mạnh của hai bên; hợp tác giữa các địa phương; hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khai thác không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ…
Đồng thời mong muốn Nhật Bản tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại nước này; hỗ trợ Việt Nam trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, các dự án thuộc cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC)…
Bộ trưởng Kato Katsunobu khẳng định sẽ tích cực ủng hộ, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, nhất là những nội dung mà Thủ tướng đã đề cập.
Bộ trưởng cho biết phía Nhật Bản đang tiếp tục rà soát chính sách thuận lợi cho người nước ngoài, trong đó người Việt Nam đang chiếm khoảng 1/4 tổng số người nước ngoài tại Nhật và có nhiều đóng góp tích cực cho nước này.
Bộ trưởng Katsunobu đề nghị hai bên cùng nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án đã có và triển khai các dự án mới; khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ Nhật Bản, trao đổi với các doanh nghiệp về hợp tác với Việt Nam trong các dự án hạ tầng chiến lược; trao đổi với JBIC về nội dung mà Thủ tướng đề cập liên quan dự án Nghi Sơn.