Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đông Nam Bộ là nơi “hội tụ tiềm năng, thế mạnh”

(VOH) – “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới,” các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ sáng 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của vùng với những thách thức cả nội tại và khách quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đông Nam Bộ là nơi “hội tụ tiềm năng, thế mạnh” 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng phân tích nhiệm vụ, giải pháp để phát triển vùng Đông Nam Bộ với phương châm “Tư duy đổi mới - Đột phá mới - Giá trị mới.”

Theo Thủ tướng, với “Tư duy mới” vùng phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phải có cách tiếp cận toàn cầu, tác động toàn dân.

Việc thực hiện “Đột phá mới” phải có cơ chế chính sách đột phá, huy động hợp tác công tư, hình hành trung tâm tài chính; xây dựng quỹ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược của vùng.

Thủ tướng yêu cầu phải cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo nhà ở cho công nhân, đời sống vật chất, tinh thần cho người có công...

Về “Giá trị mới,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, phải mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn; thu nhập bình quân đầu người phải cao hơn, sánh với khu vực và quốc tế.

Hạ tầng kết nối vùng, cả nước và quốc tế của Đông Nam Bộ phải tốt nhất cả nước; khắc phục hậu quả về môi trường và suy thoái môi trường; Đông Nam Bộ phải đi đầu cả nước phát triển xanh, phát triển bao trùm, toàn diện...

Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều kiến nghị và giải pháp về việc thực hiện Nghị quyết 24 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch về việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.

Bộ Xây dựng có kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị vùng Đông Nam Bộ, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh vùng Đông Nam Bộ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa giải pháp giải quyết các vấn đề tạo việc làm, bảo đảm cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vùng Đông Nam Bộ...

UBND TPHCM có phương hướng phát triển TPHCM trở thành thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với vành đai công nghiệp dọc hành lang 3, 4 và các tuyến cao tốc.

Tỉnh Bình Phước đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững...

Bình luận