Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích '6 cơn gió ngược' cản trở kinh tế

VOH - Sáng 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) các nhà tiên phong năm 2023 tại Thiên Tân (Trung Quốc).

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu tại phiên thảo luận đầu tiên của hội nghị với chủ đề "Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam.

Đó là, suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.Hậu quả của Covid-19 cùng cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ cũng đang là thách thức với kinh tế toàn cầu.

Các cuộc xung đột, trong đó có xung đột ở Ukraine, đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường, theo Thủ tướng, cũng là "cơn gió ngược" đang cản đường phát triển của kinh tế thế giới. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích '6 cơn gió ngược' cản trở kinh tế 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VNE

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất loạt giải pháp, như tăng đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, trong đó người dân vừa là chủ thể, nguồn lực và động lực cho phát triển.

Các tổ chức, định chế tài chính cần có chính sách khơi thông và kích hoạt các động lực tăng trưởng để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thúc đẩy thương mại - đầu tư. Đa dạng hóa thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, tuần hoàn.

Thúc đẩy tổng cung và cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa và tự do hóa thương mại, giảm giá năng lượng, lương thực.  

Các nước cần sớm tìm giải pháp giải quyết các xung đột, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế và tăng hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch WEF Borge Brende chúc mừng và cho biết cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển hết sức năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bình luận