Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được thực hiện theo lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi.
Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu chính phủ. Ông cũng là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Ấn Độ sau khi nước này bầu Hạ viện và có chính phủ nhiệm kỳ mới.
Việt Nam và Ấn Độ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016. Quan hệ song phương đang phát triển tích cực với nền tảng vững chắc và tin cậy chính trị cao,
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai nước hồi tháng 6/2022 ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần, hợp tác về đào tạo, công nghiệp quốc phòng, cử tàu hải quân thăm, cung cấp các gói tín dụng, viện trợ không hoàn lại.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 2,5 lần từ khi hai nước nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đạt gần 15 tỷ năm 2023. Các tập đoàn lớn của Ấn Độ đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dầu khí, dược phẩm, hạ tầng cảng biển, logistics. Tập đoàn Vinfast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại bang Tamil Nadu, với số vốn cam kết 2 tỷ USD.
Ấn Độ hiện có 380 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn 1,067 tỷ USD, đứng thứ 24/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Trong các lĩnh vực hợp tác khác, hai nước đang có hơn 50 chuyến bay thẳng mỗi tuần. Ấn Độ nằm trong nhóm ba nước có tốc độ tăng trưởng khách du lịch vào Việt Nam cao nhất, tăng 2,5 lần trong bốn năm qua.
Hai nước cũng đang tăng cường hợp tác về năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, chuyển đổi số và công nghệ thông tin, nông nghiệp thông minh và dược phẩm...
Ấn Độ là thành viên quan trọng tại nhiều diễn đàn đa phương và trên trường quốc tế; hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại Liên Hợp Quốc.