Ông Trần Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT và các lãnh đạo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (China Railway) cho biết Tập đoàn đang là tổng thầu thi công một số dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và các dự án điện gió ở Đắc Nông, nhà máy sản xuất lốp ở Tiền Giang...
Mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án giao thông tại Việt Nam như đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt đô thị Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những trụ cột phát triển của thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và China Railway nói riêng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ngày càng thực chất, hiệu quả.
Đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với bộ ngàng Việt Nam phát triển những dự án mới, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.
Tiếp Lãnh đạo Tập đoàn xây dựng điện lực Trung Quốc (Power China), doanh nghiệp đứng thứ 100 trong danh sách Fortune Global 500, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh, hiệu quả, bền vững của Power China; hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn trong thời gian tới.
Power China mong muốn tiếp tục đầu tư vào các dự án điện và xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và Power China nói riêng; hoan nghênh và ghi nhận Tập đoàn tiếp tục quan tâm và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt là triển khai các dự án điện gió và điện khí LNG.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Power China nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam. Trong đó có sự tham gia 1 trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam là hạ tầng, cụ thể là nghiên cứu hợp tác đầu tư các tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc - Quảng Ninh - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng…