Thủ tướng: "Thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội ở các nơi được coi là ổ dịch"

(VOH) - Các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm.

Không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm; Trường hợp thiếu kinh phí thì kịp thời sử dụng kinh phí dự phòng và báo cáo Trung ương xử lý cụ thể. - Đây là nội dung trong Thông báo 283/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 7/8/2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm

Thủ tướng Chính phủ nhận định, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch đang có nguy cơ rất cao lây lan trong cộng đồng, đòi hỏi các bộ liên quan, các cấp chính quyền cần đề cao trách nhiệm, quyết tâm hơn nữa thực hiện phòng, chống dịch, nhất là trong khoảng thời gian 2 tuần tới đây, đặc biệt Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, các địa phương đang có dịch bệnh, trong đó có các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương đang có dịch chỉ đạo huy động tổng lực, bảo đảm 4 tại chỗ, phối hợp tốt giữa các lực lượng, quyết tâm khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ:

- Khoanh vùng, thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội ở các nơi được coi là ổ dịch.

- Tiếp tục thần tốc truy vết, tăng cường thực hiện nhanh hơn nữa việc xét nghiệm bằng phương pháp PCR nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao; khoanh vùng cách ly tập trung các trường hợp nghi nhiễm, trong đó có biện pháp cách ly phù hợp đối với người từ Đà Nẵng về; dập dịch kiên quyết, điều trị tích cực các ca nhiễm bệnh; quyết tâm kiềm chế, kiểm soát, khống chế lây nhiễm dịch bệnh ở mức thấp nhất; lưu ý ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm đối với người có bệnh nền, mãn tính, cao tuổi. Tiếp tục duy trì các tổ công tác đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm và áp dụng biện pháp phù hợp đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Có phương án và sẵn sàng các bệnh viện dã chiến tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương có ca lây nhiễm.

- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có ca nhiễm bệnh trên địa bàn căn cứ diễn biến dịch bệnh, quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết đối với từng khu vực trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội; tăng cường các hoạt động trực tuyến, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, hoạt động xuất khẩu, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, không áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông cấm chợ”, gây trở ngại, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trái quy định.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các đô thị, thành phố lớn, khu vực tập trung đông người, khu công nghiệp, trong đó:

- Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tập trung đông người không cần thiết. Các địa phương phải bảo đảm cung ứng đầy đủ khẩu trang phù hợp cho nhân dân; khuyến cáo người dân khai báo y tế điện tử tự nguyện.

- Tăng cường rà soát, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân lơ là, vi phạm quy định về phòng, chống dịch (như không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang...); xử lý nghiêm các trường hợp mua bán khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế giả, chất lượng kém... Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

- Toàn ngành y tế tiếp tục duy trì chế độ báo động đỏ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh. Bộ Y tế, UBND các cấp tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở y tế, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Ngành y tế tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế ở tất cả các cơ sở y tế để bất cứ khi nào và ở đâu có ca nhiễm đều biết cách xử lý phù hợp, kịp thời.

- Các địa phương đang có dịch phải kịp thời tăng cường, bảo đảm có đủ vật tư, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm. Thực hiện chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật trong việc mua sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm, bảo đảm tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; không để thiếu và chậm thực hiện xét nghiệm; trường hợp thiếu kinh phí thì kịp thời sử dụng kinh phí dự phòng và báo cáo Trung ương xử lý cụ thể. Các địa phương và ngành y tế phải xử lý ngay việc này.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ Y tế, Thông tin và Truyền thông, UBND cấp tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng; chống dịch theo quy định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi mọi người dân có điện thoại thông minh tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone để kịp thời phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm, ngăn ngừa dịch bênh lây lan.

Cập nhật Covid-19 chiều 8/8: Thêm 21 ca mắc mới, có 20 ca liên quan Đà Nẵng - Bản tin 18 giờ  ngày 8/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 21 ca mắc mới COVID-19.
Tình hình Covid-19: Hơn 36.000 người từ Đà Nẵng về TPHCM được lấy mẫu xét nghiệm - Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh Covid - 19, đến 7 giờ ngày 08/8/2020, tình hình dịch bệnh Covid - 19 tại thành phố Hồ Chí Minh cụ