Chờ...

Thủ tướng yêu cầu triển khai mọi phương án để tiếp cận, cứu nạn những người còn sống sót

(VOH) - Tiếp theo Công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Nội dung công điện như sau:

Tiếp theo Công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến những người dân bị nạn và gửi lời chia buồn  sâu sắc đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và biểu dương công tác tìm kiếm cứu nạn của lực lượng địa phương tại chỗ, các lực lượng tại hiện trường và lực lượng vũ trang.

Xe cơ giới xử lý các điểm sạt lở tìm lối vào hiện trường. Ảnh: Quảng Nam Online
Xe cơ giới xử lý các điểm sạt lở tìm lối vào hiện trường. Ảnh: Quảng Nam Online

Đến nay, vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được tìm thấy, để công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân sạt lở đất được thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, các đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân. Do điều kiện địa hình, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất rất cao, vì vậy yêu cầu, trong quá trình tìm kiếm, phải phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn được đồng bộ, hiệu quả và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

2. Bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp. Khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay,… để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót.

3. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các lực lượng cứu hộ cứu nạn huy động mọi phương tiện, lực lượng cần thiết, phù hợp tập trung khắc phục sớm nhất các đoạn, tuyến giao thông bị sạt lở tạo điều kiện đưa phương tiện cơ giới vào khu vực tìm kiếm cứu nạn.

4. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân các gia đình có người gặp nạn, hỗ trợ tổ chức tang lễ chu đáo cho những người bị thiệt mạng theo phong tục địa phương.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chủ trì chủ động cung cấp thông tin về công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân cho các cơ quan truyền thông. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và Ủy ban   nhân dân tỉnh Quảng Nam thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các nhiệm vụ trên.

6. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở; theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó mưa lũ, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.