Thủy điện Đồng Nai: Được và mất
![]() |
Nứt lở làm nhiều hoa màu bật gốc rễ. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Có lẽ vợ chồng anh Dương Văn Sản và chị Đỗ Thị Thùy Trang sẽ không thể nào quên được giây phút hãi hùng khi chứng kiến căn nhà cấp 4 vừa xây hết hơn 300 triệu còn thơm mùi sơn mà 2 vợ chồng tích cóp dành dụm mười mấy năm, nay trở thành đống gạch vụn chỉ sau một đêm.
Người đàn ông hơn 40 tuổi, dáng khắc khổ, đưa đôi mắt buồn rầu nhìn quanh, nơi trước kia là ngôi nhà gạch khanh trang của gia đình anh. Bàn tay chai sần vì những ngày lao động cực nhọc trên rẫy cà phê nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong ngôi nhà đã đổ nát. Không còn nỗi đau buồn nào bằng khi mất trắng căn nhà mà không biết kêu ai, anh Sản nhớ lại: "Đêm ngày mùng 9 tháng 10 nghe nước chảy róc rách ở dưới nền, nền nhà rung chuyển, vậy là nhà đổ, tôi chỉ biết ôm con mà chạy, chứ còn biết thế nào nữa, đồ trong nhà hư hỏng thì, phải chạy cứu lấy người thôi. Nhà nước cho được 6 mét ngang sâu 50 mét nhưng cũng chưa nhận được giấy tờ gì nên chưa dám chuyển".
Cách nhà của anh Sản một đoạn không xa là gia đình anh Lâm Thanh Nhã, 3 ngày trước khi nhà của anh Sản bị sập, anh Nhã chợt thấy một vết nứt nhỏ trên nền nhà của mình, sáng ngày 06/10, khi thức dậy anh có cảm giác nhà mình đã bị trôi đi vài mét so với nền cũ, cứ như đang nằm trên chiếc thảm bay. Lo sợ cho tính mạng của người thân, anh Nhã ngược lên phía ngọn đồi gần nhà thì nhìn thấy những vết nứt chạy dài từ trên núi xuống phía dưới chân hồ thủy điện, vết nứt không sâu nhưng có thể quan sát rất rõ bằng mắt thường: “Nhà của mình thì nằm ở trên cách khoảng 5 mét, bây giờ sụp đất nó trôi xuống khoảng 5 mét. Dây điện lúc nào cũng căng hết vậy mà khi trôi thì nó mỗi này nó dùng xuống một ít, ban đầu thì cái nền đất của mình có một vết nứt nhỏ mình nghi là cái nhà mình nó trôi rồi nên mình tìm lên thì thấy đúng như vậy, do vậy trong vòng 2-3 ngày là mình phải dời nhà đi”.
Đó là 2 trường hợp nhà bị sập trong tổng số 17 hộ nằm trong khu vực sạt lở ở các thôn Gia Bắc 2, Lộc Châu 2 và Lộc Châu 3 của xã Tân Nghĩa huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dự án thủy điện Đồng Nai 2. Sạt lở và thi công thủy điện còn làm hư hỏng một con đường vào thôn được làm từ năm 2010 từ vốn đầu tư thuộc chương trình 135, một số đường điện, đường dây điện nối vào các hộ gia đình để sử dụng. Tổng thiệt hại ước tính hơn 2,5 tỷ đồng. Mặc dù UBND xã cũng đã kịp thời tổ chức di dời các hộ gia đình bị thiên tai do sạt lở đất, đồng thời bố trí tạm thời đất khẩn cấp cho các hộ dân để ổn định cuộc sống nhưng người dân vẫn cảm thấy phập phồng, bất an.
Ông Lê Ngọc Chánh, Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa cho biết, mặc dù đã có lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học xuống tìm hiểu thực tế tại địa phương nhưng đến thời điểm hiện nay ông không nhận được bất kỳ thông tin gì. Chúng tôi nêu thắc mắc này với ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng và được ông cho hay: chưa thể khẳng định việc tích nước thủy điện Đồng Nai 2 đã gây ra sạt lở tại khu vực xã Tân Nghĩa vì thời điểm tháng 8 và tháng 9 ở khu vực này có mưa to kéo dài nhiều ngày trùng với thời điểm thủy điện Đồng Nai 2 tích nước. Thế nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong báo cáo tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt có đề cập đến vấn đề sạt lở đất ở khu vực này vì nơi đây có độ gắn kết yếu. "Chúng tôi cũng được biết là do mưa kéo dài nhiều ngày thời gian mưa tháng 8 tháng 9 trùng hợp với thời điểm tích nước của Đồng Nai 2, cho nên có ý kiến cho rằng sự cố có liên quan gì đó, nhưng thực tế thì khi đánh giá những vấn đề này thì cần thời gian để kiểm chứng số liệu này chứ không thể trong vòng thời gian ngắn thì có thể kết luận được. Trong cái vụ này có đề cập nhưng nó không cụ thể, chỉ nói một cách tổng quát, chứ còn xác định cụ thể thì không có nói liên quan đến vấn đè sạt lở, trượt lở thì có nêu trong báo cáo này".
Theo phản ánh của người dân thì chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam đã thực hiện việc tích nước hồ khi chưa đền bù hết diện tích thu hồi. Cho đến nay Công ty mới chỉ đền bù được khoảng 80%, số còn lại người dân mới chỉ nhận được khoảng ¼ tiền đền bù. Trong nhiều năm với số tiền ít ỏi ấy họ khó có thể mua được vùng rẫy nào khác để tiếp tục canh tác. Mặt khác, vào ngày 21/9 thủy điện tích nước thì các xã nhận được thông tin này chỉ trước 1-2 ngày. Quá trình chuẩn bị cho người dân di dời vội vã. Nước lên quá nhanh nên hầu hết diện tích hoa màu chưa kịp thu hoạch cùng nhà cửa, tài sản của người dân đã bị ngập chìm trong lòng hồ. Theo quy định, khi tích nước thì lòng hồ phải được dọn sạch nhưng quan sát của chúng tôi cho thấy, còn rất nhiều cây to ngập chìm trong nước.
Ông Trần Văn Thân - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh,
Huyện Lâm Hà nơi cũng có hơn 400 ha đất bị thu hồi vì thủy điện Đồng Nai 2 cho
rằng, không thể phủ nhận lợi ích của thủy điện đối với việc phát triển kinh tế
xã hội của địa phương cũng như của quốc gia, thế nhưng sự đánh đổi về môi trường
quả là không nhỏ. Cụ thể, vào khoảng năm 1992 xã Tân Thanh có khoảng 8.000 ha
rừng tự nhiên. Năm 2003 bắt đầu chương trình thủy điện Đồng Nai 3, xây dựng đập
tránh lũ nên mất khoảng 300 ha rừng, sau đó đến thủy điện Đồng Nai 2. Tính ra,
diện tích đất canh tác và đất rừng bị thu hồi cho 2 thủy điện này lên đến cả
ngàn ha. Ông Thân xót xa: "Đầu tiên chúng tôi thấy là tác động của thủy điện Đồng Nai 3 lúc đầu đã mất 300
hecta của đất Tân Thanh, sau đó cả ngàn hécta, đến thủy điện đồng nai 2 thì theo
như tôi biết cũng liên quan đến 475 hecta nếu kéo theo thì cũng phải cả ngàn
hécta, công ty Trung Nam cũng lập phương án thu hồi đất, thời gian thu hồi đất
thì dài, chi trả dài nên ảnh hưởng trực tiếp đến khó khăn của người dân".
Theo báo cáo của Bộ công thương, từ năm 2006 đến năm 2012, nước ta đã chuyển đổi 50.000 ha đất rừng, nông nghiệp khác để làm thủy điện. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong giai đoạn này có khoảng 20.000 ha rừng bị mất bởi thủy điện. Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng từ năm 2006 đến nay, diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang xây dựng các công trình thủy điện lưu vực sông Đồng Nai là gần 1.900 ha.
Những hệ lụy từ các đập thủy điện trong khắp cả nước thì đã hiển hiện rõ ràng, phá rừng nhưng không hồi phục, dời dân đi mà không cấp đủ đất để tái định cư, vỡ đập vì xây dựng chất lượng kém, xả lũ bất ngờ khiến nhà dân thiệt hại…Thiệt hại, bất cập là vậy, nhưng khi dự án được thông qua thì nhiều người hoan hỉ, đến lúc có sự cố thì quá bóng trách nhiệm lại được chuyền rất khéo đi nơi khác.
Và như đã nói ở trên, hiện tượng sạt lở ở khu vực dự định làm thủy điện Đồng Nai 2 đã từng được đề cập trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chưa được làm rõ. Dĩ nhiên không thể đoán trước bất kỳ điều gì nhưng đã rất nhiều lần dư luận đặt ra câu hỏi liệu chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động môi trường chân thực đến đâu khi đã có nhiều bài học nhãn tiền từ thủy điện Sông Tranh 2 hay dự án thủy điện 6 và 6A.