028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Tiêm vắc xin và nỗi lo người trong cuộc

(VOH) - Chỉ trong vài ngày đã có đến 4 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B sau khi sinh đã tử vong khiến cho dư luận không khỏi lo lắng, đặc biệt với những sản phụ. Không ít người trong số đó đang phải đắn đo, cân nhắc không biết có nên tiêm ngừa cho con mình hay không, vì lo lắng phải đối mặt với những rủi ro khó lường trước. Qua ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua, tâm lý e ngại tiêm chủng cho trẻ là có thật…
Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B trong vòng “thời gian vàng” lý tưởng này sẽ ngừa luôn kể cả trường hợp bị phơi nhiễm từ mẹ. Ảnh minh họa: kienthuc

Dù đã qua giai đoạn tiêm ngừa viêm gan B, cháu nay đã được 16 tháng tuổi, nhưng khi đề cập đến vấn đề vắc xin và gặp tai biến thì cha bé Nguyễn Đăng Quang ngụ phường Tân Thuận Tây - Quận 7 không khỏi dè dặt vì sắp tới bé còn phải tiêm ngừa nhiều mũi cho nhiều loại bệnh khác: "Thời gian qua, thấy các vụ tai biến tôi rất đắn đo không biết có chích ngừa cho con mình hay không, cháu mới được 16 tháng, còn phải chích nhiều mũi nữa".

Tuy vậy, song song đó cũng có không ít phụ huynh có con nhỏ lại có suy nghĩ khác, không bị tác động trước sự cố này và vẫn quyết tiêm ngừa phòng bệnh cho con: "Hồi trước khi chưa nghe về các vụ việc này thì không biết nhưng tôi cũng đi chích ngừa cho bé, nếu không chích thì giả sử con mình bị gì thì đủ thứ lo hơn, đâu phải ai cũng bị vậy đâu".

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các khoa sản của bệnh viện đa khoa, bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, các sản phụ đến sinh hay phụ huynh đưa trẻ đi tiêm ngừa không có sự xáo trộn nhiều so với trước. Tại các cơ sở y tế này, đa phần đều triển khai song song hai loại hình, một là theo chương trình tiêm chủng mở rộng và thứ hai là loại hình dịch vụ. Ngay khi sự cố xảy ra tại bệnh viện Hướng Hóa - tỉnh Quảng Trị làm 3 trẻ tử vong, TP.HCM cũng đã ngưng hẳn các lô vắc xin này để đảm bảo an toàn. Bà Lữ Thị Trúc Mai - điều dưỡng trưởng bệnh viện Hùng Vương cho chúng tôi biết: "Hồi trước cũng đã có loại này rồi, mình vẫn nhận cái đó theo hệ tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc nhưng khi có thông tin này rồi thì dừng lại việc tiêm ngừa bằng vắc xin này luôn".

Thực tế, việc tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là rất quan trọng, để tránh mẹ bị nhiễm thì sẽ truyền cho con. Điều cần nói là tỷ lệ nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con ở Việt Nam còn rất cao, chiếm từ 10 đến 16%. Phân tích sâu hơn vào vấn đề, bác sĩ  Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm - bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý các bà mẹ không vì những tai biến mà lơ là việc tiêm ngừa cho trẻ: "Nếu bảo đảm xét nghiệm được thì chích trễ còn không thì phải chích trong vòng 24 giờ đầu sau sinh vì em bé bị viêm gan B rất nguy hiểm, tỷ lệ mẹ lây sang con rất cao , em bé nhiễm chắc chắc về sau sẽ viêm gan mãn, ung thư gan và xơ gan".

Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B trong vòng “thời gian vàng” lý tưởng này theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP là sẽ ngừa luôn kể cả trường hợp bị phơi nhiễm từ mẹ: "Tiêm vắc xin viêm gan B ngừa bệnh sau phơi nhiễm vì trong quá trình sinh đẻ có thể lây nhiễm qua đường sinh, nên tiêm ngừa vắc xin này sẽ ngừa được kể cả trường hợp phơi nhiễm, điều này rất quan trọng".

Rõ ràng, như những khuyến cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM với những lợi ích của tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh thì các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Bởi vì, so với hậu quả cũng như gánh nặng bệnh tật thì việc chủ động phòng bệnh là rất cần thiết. Thành phố cũng đã ngưng tiêm vắc xin trong các lô gây “sự cố” vừa qua ở Quảng Trị nên người dân hãy yên tâm và tiếp tục tiêm ngừa cho trẻ, không những viêm gan B mà còn các bệnh lý khác. Bởi vì, chính tâm lý hoang mang, lo lắng những biến chứng mà tạm dừng tiêm ngừa sẽ lại là hiểm họa và bất trắc về sau cho con em mình.

Nhất Hương
;