Tại Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển” sáng 23/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và luật nhằm đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Những nỗ lực này, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội, đã đạt được kết quả tích cực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngành Công Thương, với tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu ngành làm tốt nhiệm vụ này, sẽ khơi thông nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế.
Hằng năm, Bộ Công Thương triển khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Năm 2024, Bộ đã tinh giản gần 18% đầu mối đơn vị, tối ưu hóa bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18.
Ngoài ra, Bộ chú trọng rà soát các quy định pháp luật, quy hoạch và định mức kỹ thuật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển kinh tế số đã mang lại những bước đột phá, hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ.
Việc tối ưu hóa sản phẩm đầu ra, tái sử dụng chất thải và ứng dụng công nghệ trong quản lý, sản xuất không chỉ giảm thiểu lãng phí mà còn gia tăng giá trị kinh tế.
Bộ Công Thương cũng tập trung vào đổi mới tư duy, áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp để thúc đẩy quản lý và sản xuất hiệu quả hơn. Các chiến lược như chuyển đổi mô hình kinh tế, hướng tới kinh tế tuần hoàn đã giúp giảm lãng phí và gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phát huy sự sáng tạo, linh hoạt trong quản lý và thực hiện kế hoạch, hướng tới mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm mà còn là giải pháp quan trọng để tận dụng mọi nguồn lực, khơi thông tiềm năng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.