Chờ...

Tìm giải pháp quản lý hiệu quả du lịch mạo hiểm

(VOH) - Gần đây, pdu lịch mạo hiểm đang được đầu tư, khai thác rất nhiều ở nước ta bởi thế mạnh về địa hình đồi núi quanh co, hiểm trở.

Nhiều rủi ro

Du lịch mạo hiểm vốn đặc thù tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để trải nghiệm cảm giác đó, du khách cần phải được trang bị đầy đủ, quần áo thiết bị bảo hộ an toàn trước khi bắt đầu chinh phục hành trình.

Tuy nhiên, đó là điều xa vời đối với những công ty du lịch hoạt động không có giấy phép, bất chấp những cảnh báo an toàn cho du khách. Vụ tai nạn mới nhất khiến một du khách người Ba Lan và một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam tử nạn ngày 23/2 vừa rồi là cảnh báo mới nhất.

Du khách nước ngoài khá ưa thích các trò mạo hiểm (Ảnh: Tổng cục du lịch)

Sở VHTT&DL Lâm Đồng cho biết, đoàn khách nước ngoài có tất cả 8 người và 2 hướng dẫn viên địa phương. Điều đáng nói, nhóm khách này đi tour của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Giấc mơ vàng (Phường 1, Đà Lạt) tổ chức - công ty này chưa có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, hướng dẫn viên tử nạn cũng chưa có chứng nhận hướng dẫn viên du lịch.

Chỉ tính riêng Đà Lạt, đây không phải là tai nạn hy hữu, hiếm gặp. Trước đó, ngày 26/2/2016, 3 du khách người Anh cũng đã tử nạn khi tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác do Công ty Du lịch Đam Mê tổ chức ở khu du lịch thác Datanla.

Sau đó đúng 3 ngày, ngày 29/2/2016, một du khách người Belarus cũng được tìm thấy thi thể khi tự ý tắm ở khu vực thác Ponggoud (Đức Trọng, Lâm Đồng)…

Các sự cố trên cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn là du khách không chấp hành nội quy khu du lịch, tự ý du lịch mạo hiểm tùy hứng, du lịch chui. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý loại hình du lịch này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trung tâm Lữ hành quốc tế TSTravel, cho biết: “Chúng tôi rất tiếc với trường hợp vừa rồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý là các công ty tổ chức tour du lịch mạo hiểm cần phải kết hợp với Ban quản lý, cơ quan an ninh, công an tại địa điểm.

Việc thông báo, hỗ trợ, biển báo cũng phải có đầy đủ rõ ràng. Trước khi đến đây, HDV phải trực tiếp thông báo và có đội ngũ an ninh đi theo chứ không phải để du khách tự do đi mạo hiểm”.

“Siết” như thế nào?

Sau sự việc, UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng giải quyết hậu quả và tăng cường công tác quản lý các điểm du lịch mạo hiểm trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, tỉnh Lâm Đồng hiện có 8 công ty lữ hành quốc tế đăng ký khai thác các sản phẩm mạo hiểm được tổ chức tại các khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, đến nay trên lĩnh vực này chưa có văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hướng dẫn nào.

Từ sự việc xảy ra cho thấy, công tác quản lý điểm tham quan còn nhiều sơ hở. Nếu không có giải pháp chấn chỉnh kịp thời thì khả năng xảy ra tai nạn vẫn còn tiếp diễn, nhất là với loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá.

Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL, nhấn mạnh: “Sau các vụ tai nạn này, chúng tôi có yêu cầu địa phương báo cáo đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại, còn có các công ty lữ hành chui, chặt chém, không đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách thì phải chấn chỉnh ngay. Nếu còn vi phạm thì yêu cầu chấm dứt chứ không thể để hoạt động”.

Nội dung mà Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL đề cập cũng chính là một bước để cụ thể hóa bằng văn bản số 587, yêu cầu một lần nữa rà soát lại đối với các khu, điểm tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức, cũng như những cảnh báo, chỉ dẫn có liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Võ Anh Tấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng, tình trạng du lịch chui vẫn diễn ra phổ biến và các điểm du lịch mạo hiểm khó quản lý hết. Do đó, điều quan trọng hơn hết là du khách tự ý thức đảm bảo an toàn tính mạng cho mình. 

“Nói loại hình leo núi mạo hiểm thực sự thì ở mình hiện nay chưa có. Rủi ro chỉ xảy ra khi du khách không quan tâm đến yếu tố an toàn. Còn nếu sử dụng đầy đủ các thiết bị an toàn hỗ trợ thì xác suất tai nạn vô cùng thấp” – ông Tấn chia sẻ thêm.

Rõ ràng, những tai nạn không mong muốn đối với du khách quốc tế cũng như trong nước ít nhiều điều tác động không hay đến hình ảnh du lịch cũng như những nỗ lực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Chính vì vậy, theo ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL cần phải thực hiện quyết liệt một số giải pháp: “Những thác nước có độ dốc nguy hiểm cần phải coi lại. Việc này, chúng tôi đề nghị các tỉnh phải theo dõi và báo cáo lại.

Xem xét lại ngành du lịch đã làm tròn chưa hay do cố tình, bất cẩn của du khách thì lại là một chuyện khác. Nếu như hướng dẫn viên đã nhắc nhở, công ty cũng nhắc nhở và có cảnh báo rồi nhưng du khách vẫn bất chấp thì đó lại là chuyện khác”.

Sau những sự cố đáng tiếc này, Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu, đề xuất lên Bộ VHTT&DL sớm ban hành thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm nhằm triển khai các biện pháp siết chặt quản lý loại hình du lịch này trong thời gian tới. Động thái này dù có hơi muộn nhưng hy vọng sẽ là cú hích để các địa phương quản lý chặt chẽ hơn loại hình du lịch nhiều tiềm năng này ở Việt Nam.