Chờ...

Tin COVID-19 ngày 19/1: TPHCM tạm ngưng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ 19/1

(VOH) - Từ hôm nay 19/1, 4 bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Củ Chi sẽ tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI TP.HCM

TP.HCM: tạm ngưng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ hôm nay 19/1

Từ hôm nay 19/1, 4 bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Củ Chi sẽ tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Việc này nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại.

Đối với các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, nếu đủ điều kiện xuất viện thì cho xuất viện. Trường hợp nào cần tiếp tục điều trị sẽ được chuyển đến các bệnh viện điều trị COVID-19 khác trên địa bàn.

Sở Y tế cũng đề nghị giám đốc các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch trong vòng 24 giờ khi sở Y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến.

Tin COVID-19 ngày 19/1: TPHCM tạm ngưng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ 19/1 1
Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐO

Trẻ em đi máy bay phải test COVID-19

Hiện nay, hành khách đi máy bay được các hãng hàng không trong nước thông báo, người tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng sẽ không cần giấy xét nghiệm.

Tuy nhiên, với trẻ em dưới 12 tuổi (bao gồm cả trẻ sơ sinh), chưa tiêm vaccine vẫn phải cần xét nghiệm âm tính. Trước thắc mắc của người dân, đại diện Bộ GTVT cho biết, tất cả các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch đều có sự thống nhất của Bộ Y tế.

Theo đại diên Bộ GTVT, trước ngày 27/12/2021, căn cứ các hướng dẫn của Bộ Y tế, ý kiến của các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT ban hành hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.

Theo quy định trên, với hành khách đi máy bay là trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm đủ liều vaccine, chưa có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng khi đi máy bay vẫn cần kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

TP.HCM: phát hiện 3 ca Omicron trong cộng đồng

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết, vừa phát hiện 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, kết quả giải trình tự gene thuộc biến chủng Omicron. Đây là 3 ca nhiễm Omicron trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

Với 3 ca mới nêu trên, tính đến sáng nay 19/1, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 33 ca nhiễm Omicron, trong đó 30 ca là người từ nước ngoài trở về được cách ly ngay khi nhập cảnh và 3 cộng đồng

Trước đó, tính đến chiều qua 18/1, Việt Nam đã ghi nhận 70 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Bí thư Thành ủy TP HCM thông tin về ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng

Sáng nay, Thành ủy TP HCM đã tổ chức họp mặt báo chí, xuất bản Mừng Xuân – Mừng Đảng.

Tại buổi họp mặt, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ 2 thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Đầu tiên là tin vui liên quan đến số ca tử vong do dịch COVID-19 ở thành phố giảm sâu. “Ngày hôm qua, số ca tử vong ở thành phố thấp nhất từ trước đến nay với 9 ca, trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến”.

Thông tin thứ 2 là thành phố vừa phát hiện 1 chùm ca nhiễm biến thế Omicron từ cộng đồng. Bí thư Thành ủy cho biết chùm ca này ở một gia đình, có người thân ở nước ngoài về. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai thần tốc các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của chùm ca nhiễm này. Người dân phải hết sức lưu tâm và cảnh giác.

Gần 100 cơ sở mầm non tại TP.HCM phải giải thể do dịch COVID-19

Sáng nay, Sở Giáo dục – Đào tạo thông tin: toàn TP đã có gần 3.097 cơ sở giáo dục mầm non ngưng hoạt động từ 3 đến 6 tháng.

Đáng nói, có 20 trường và 79 nhóm lớp mầm non công lập phải giải thể. Tính từ tháng 5/2021 đến nay, số ca F0 trong ngành là hơn 5.800 trẻ em, và gần 5.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, gần 10.000 người đã điều trị khỏi.

Theo kế hoạch, TP. HCM dự kiến cho phép các cơ sở giáo dục mầm non đón trẻ đi học trực tiếp trở lại trong tháng 2.

TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết

Chiều 18/1, UBND TPHCM ban hành Chỉ thị về chăm lo Tết Nhâm Dần 2022. UBND TPHCM chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Tùy theo cấp độ dịch, tổ chức chu đáo, an toàn các lễ hội xuân; không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết.

Sở Y tế TPHCM được yêu cầu phải chủ động giám sát, phát hiện các tác nhân gây bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch bùng phát, lây lan; có kế hoạch dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ngành y tế phải thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại sân bay, bến xe; tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, ứng trực 24/24 giờ.

Đồng thời, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tình trạng người dân không được về quê đón Tết do không có tàu xe. 

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH KHÁC

Các bệnh viện không được từ chối thai phụ F0

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế có dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh đảm bảo phân luồng, có khu khám, chăm sóc và điều trị riêng cho thai phụ F0; không được đùn đẩy, từ chối. Đây là nhóm nguy cơ cao, sẽ được điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2 (trong mô hình 3 tầng điều trị Covid); hỗ trợ thở oxy và thuốc chống viêm khi suy hô hấp.

Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai mắc COVID-19 rất dễ chuyển nặng, chưa kể nếu họ có bệnh nền như lớn tuổi (trên 35 tuổi), béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính ở phổi... Khi bệnh chuyển nặng, thai phụ buộc phải nằm ở trung tâm hồi sức, thậm chí phải can thiệp y khoa như thở máy, ECMO, thậm chí nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con.

Khánh Hòa: tất cả học sinh đi học trực tiếp vào học kỳ 2

Chiều qua 18/1, Sở Giáo dục và đào tạo Khánh Hòa cho biết học kỳ 2 (năm học 2021 - 2022), tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh ở các cơ sở giáo dục, trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống đi học trực tiếp, không thực hiện chia nhỏ lớp, giảm sĩ số học sinh. Trong quá trình dạy và học vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Các trường sẽ tự quyết thời gian học sinh học trực tiếp và phải có phương án xử lý trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 theo hướng dẫn của sở và của ngành y tế. Ngoài ra, phải có phương án hỗ trợ học tập cho học sinh bị nhiễm COVID-19 trong thời gian không được học trực tiếp.

Kon Tum: yêu cầu hoàn trả phí chênh lệch giá xét nghiệm cho người dân

UBND tỉnh Kon Tum vừa yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei hoàn trả kinh phí chênh lệch giá dịch vụ test nhanh COVID-19 từ ngày 1/7 đến 9/11/2021.

Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei cũng đã có văn bản thông báo cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được hoàn trả kinh phí chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm test nhanh COVID-19 biết, mang phiếu thu hoặc hóa đơn, bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu đến đơn vị để nhận lại số tiền hoàn trả chi phí test nhanh chênh lệch nói trên.

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội từ 18h ngày 17/1 đến 18h ngày 18/1 ghi nhận 2.935 ca F0. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa có 136 ca; Hoàng Mai có 133 ca; Gia Lâm có 118 ca; Đông Anh có 109 ca. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 97.260 ca.

- Từ sáng 17/1 đến sáng 18/1, Bắc Ninh ghi nhận 491 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 379 ca trong cộng đồng. Từ ngày 4/10/2021 đến ngày 18/1/2022, Bắc Ninh đã ghi nhận hơn 17.300 ca COVID-19, trong đó tổng số ca mắc ghi nhận tại các khu, cụm công nghiệp từ ngày 21/10/2021 đến nay là hơn 5.800 ca. Hiện có hơn 6.200 F0 đang được quản lý tại 26 cơ sở quản lý, thu dung, điều trị COVID-19 và tại nhà.

- Thanh Hóa ngày 18/1 ghi nhận 552 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, đây là số ca mắc cao kỷ lục từ trước tới nay ở tỉnh này; trong đó, có 158 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng và 394 bệnh nhân đang được cách ly theo quy định.

- Tính đến 18h ngày 18/1/2022, Hải Phòng có 2 ca tử vong do COVID-19, hơn 80 ca chuyển biến nặng. Có 512 ca COVID-19 mới, số ca nhiễm toàn thành phố Hải Phòng đến thời điểm này là 20.810 ca, đã công bố khỏi bệnh, xuất viện 12.491 ca, số đang điều trị là 16.554 ca, tử vong 35 ca.

- Quảng Ninh ngày 18/1 ghi nhận 366 ca COVID-19 mới (46 ca đã quản lý cách ly, 320 ca tại cộng đồng), trong đó TP Uông Bí có số ca mắc cao nhất với 87 ca, tất cả đều trong cộng đồng. Tiếp đến, Cẩm Phả 83 ca, Hạ Long 77 ca, Quảng Yên 46 ca, Đông Triều 40 ca, Móng Cái 21 ca, Vân Đồn 5, Ba Chẽ 4 ca, Tiên Yên 3 ca.

Tính từ thời điểm thực hiện Nghị quyết số 128 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số ca mắc 8.656 ca (nhập cảnh: 110 ca, nội địa: 8.546 ca).

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI

Bắc Kinh (Trung Quốc) đối mặt với cả Delta và Omicron trước Olympic mùa Đông

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã phải siết chặt các biện pháp chống dịch và kêu gọi tất cả các cơ quan, đơn vị trong thành phố tham gia đối phó với COVID-19 bằng các biện pháp toàn diện trước thềm Olympic Bắc Kinh, sau khi thành phố này phát hiện 4 ca nhiễm gồm cả biến thể Delta và Omicron trong 3 ngày.

Với 4 ca bệnh này, Bắc Kinh trở thành địa phương thứ 3 ở Trung Quốc cùng lúc phải đối mặt với cả biến thể Omicron và Delta, sau tỉnh Hà Nam và tỉnh Quảng Đông.

Mặc dù dịch vẫn rải rác ở Trung Quốc, nhưng số ca bệnh cộng đồng báo cáo hàng ngày trong ngày 19/1 đã ở mức thấp nhất trong khoảng hai tuần trở lại đây.  Trung Quốc có ít ca lây nhiễm hơn nhiều so với các quốc gia khác, nhưng luôn cho rằng bất kỳ vụ bùng phát nào cũng đều phải kiểm soát càng sớm càng tốt. Chiến lược này ngày càng trở nên cấp bách khi Thế vận hội mùa Đông sắp khai mạc vào ngày 4/2 tại Bắc Kinh và trong nỗ lực đảm bảo không có các đợt dịch lớn nào xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.

olympic-bac-kinh-2022
Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc.vn

Nhật Bản ghi nhận kỷ lục 27.000 ca COVID-19/ngày

Truyền thông địa phương đưa tin số ca mắc COVID-19 hằng ngày của Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục vào ngày 18/1 bất chấp việc chính phủ nước này mở rộng các biện pháp để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan.

Nhật Bản có hơn 27.000 ca mắc COVID-19 mới, vượt qua kỷ lục trước đó hồi tháng 8 ngay sau khi Tokyo đăng cai Thế vận hội mùa hè.

Trong khi đó, ngày 18/1, các quan chức Nhật Bản cho biết tỉ lệ lấp đầy giường bệnh ở thủ đô Tokyo đã tăng lên 23,4%. Nhật Bản sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp tỉ lệ này tăng lên 50%.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 12/1 cảnh báo dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lan rộng ở nước này thời gian tới, đồng thời lưu ý biến thể Omicron đã được phát hiện ở hầu hết khu vực của Nhật Bản.

Châu Phi: Chỉ 7% dân số được tiêm 2 mũi vaccine COVID-19

Đây là con số vừa được Giám đốc khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan đưa ra.

Theo ông Mike Ryan, những vùng đất rộng lớn của châu Phi đang bị thế giới lãng quên. Con số 7% được đưa ra trong bối cảnh hơn một nửa dân số toàn cầu đã được tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19.

Hiện châu Phi vẫn tiếp tục là một trong những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 thấp nhất thế giới. Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX mới đây cho biết đã chuyển giao 1 tỉ liều vaccine. Tuy nhiên, việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo vẫn đang bị giới hạn vì thiếu vaccine do các nước giàu đã mua hầu hết số vaccine có ban đầu từ tháng 12/2020.