Tin nóng sáng 15/1: TPHCM sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện điều trị COVID-19

Ngày 14/1, giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng ký văn bản về việc sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID19 trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.

TIN TRONG NƯỚC:

TPHCM sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện điều trị COVID-19 trong Tết Nguyên đán

Ngày 14/1, giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng ký văn bản về việc sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID19 trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. 

Trong văn bản này, sở cho biết hiện số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến TP chiếm 10 - 30% công suất giường bệnh. Tuy nhiên, biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. 

Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 19/1 cho đến khi có thông báo mới sẽ tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Khi tạm ngưng hoạt động, người bệnh hiện đang được điều trị tại các bệnh viện trên nếu đủ điều kiện xuất viện thì cho xuất viện. Với người bệnh cần tiếp tục điều trị sẽ được chuyển tới các bệnh viện điều trị COVID-19 khác trên địa bàn.

Tin nóng sáng 15/1: Hơn 90% học sinh trung học trở lại trường 1
Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, TPHCM 

TPHCM: hơn 90% học sinh trung học trở lại trường

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo về tình hình học sinh các khối 7, 8, 10, 11 đi học lại từ ngày 4/1/2022 theo chỉ đạo của UBND TP.

Sở GD-ĐT cho biết tỉ lệ học sinh từ khối 7 - 12 hiện đang đi học trực tiếp đạt từ 92 - 96% tùy từng khối lớp. Những học sinh chưa đi học trực tiếp là thuộc diện F0, đang trong khu vực cách ly, chưa trở lại thành phố...

Tính từ ngày 13/12/2021 (ngày học sinh lớp 9 và 12 ở TPHCM đi học lại) đến 7/1/2022, các trường THCS, THPT phát hiện 130 ca nhiễm COVID-19 là giáo viên, nhân viên, học sinh. Tất cả các trường hợp trên đều đã được xử lý theo quy định.

Trong khi học sinh từ lớp 7 - 12 đã được đi học lại thì hiện nay nhiều phụ huynh đang rất sốt ruột vì học sinh từ lớp 1 - 6 vẫn đang ở nhà và học trực tuyến. Trong đó, nhiều người còn thông tin rằng con em họ đã nghiện game, nghiện phim dài tập... trong quá trình học trực tuyến vì phụ huynh phải đi làm, không thể ở nhà giám sát con em.

Cần Thơ hạ cấp độ dịch còn cấp 2

Ngày 14/1, UBND TP Cần Thơ có văn bản cập nhật cấp độ dịch trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ cấp độ dịch là cấp 3 (màu cam - nguy cơ cao), toàn thành phố sẽ có cấp độ dịch là cấp 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) ngay trong ngày 14/1. 

TP Cần Thơ yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả và đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K, vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ, ý thức người dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính là xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân. 

Ngoài ra, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng cấp độ dịch, tuyệt đối không để ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của người dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Tin nóng sáng 15/1: Hơn 90% học sinh trung học trở lại trường 2
Xét nghiệm dịch vụ COVID-19 tại một cơ sở y tế trên địa bàn quận Ninh Kiều

Hậu Giang cho phép quán karaoke, spa, làm đẹp hoạt động

Chiều 14/1, tỉnh Hậu Giang có công văn về các biện pháp bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cụ thể, đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke, internet, khu vui chơi, giải trí, trò chơi điện tử, các cơ sở làm tóc, spa, massage, làm đẹp… được phục vụ khách tại chỗ (trừ địa bàn có dịch cấp 4 phải dừng hoạt động) nhưng cam kết số lượng khách không quá 50% công suất, đồng thời thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn ăn, uống.

Chủ cơ sở phải có biện pháp kiểm soát thông tin khách hàng để phục vụ truy vết (quét QR-Code); tất cả khách hàng, nhân viên và người quản lý đều phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; thực hiện test nhanh thường xuyên cho người lao động định kỳ ít nhất 2 tuần/lần.

Bình Thuận đã có 9 huyện, thị, thành phố là vùng xanh

Ngày 14/1, tỉnh Bình Thuận công bố cấp độ dịch của tỉnh. Theo đó, tỉnh Bình Thuận ở cấp độ 1 (vùng xanh). Thành phố Phan Thiết và các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, thị xã La Gi và huyện đảo Phú Quý được đánh giá dịch cấp độ 1. Còn lại huyện Tánh Linh được đánh giá cấp độ 2 (vùng vàng).

Ở cấp xã, phường, tỉnh Bình Thuận không còn đơn vị nào ở cấp độ 4 (vùng đỏ). Có 2 xã Lạc Tánh và Đức Thuận, huyện Tánh Linh thuộc cấp độ 3 (vùng cam); 23 xã, phường cấp độ 2 (vùng vàng); 99 xã, phường thuộc cấp độ 1 (vùng xanh).

Như vậy, so với thông báo cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh lần gần đây nhất vào ngày 7/1, tỉnh Bình Thuận đã giảm được 14 xã vùng vàng và 3 xã vùng cam. Hai địa phương cấp huyện là Hàm Tân và Bắc Bình cũng chuyển từ vùng vàng lên vùng xanh.

Tin nóng sáng 15/1: Hơn 90% học sinh trung học trở lại trường 3
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Đen Vâu thắng lớn trong bảng xếp hạng Billboard Việt Nam

Tối 14/1, Billboard Việt Nam tổ chức buổi họp báo ra mắt và công bố kết quả của hai bảng xếp hạng âm nhạc Billboard Vietnam Hot 100 và Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs.

Tại sự kiện, chủ nhân của ngôi vị cao nhất ở hai bảng xếp hạng cùng thuộc về rapper Đen Vâu và ca sĩ Nguyên Thảo với Mang tiền về cho mẹ. Rapper "Trốn tìm" một lần nữa chứng minh sức hút mạnh mẽ của mình khi có thêm hai sản phẩm khác lần lượt nắm giữ thứ hạng tiếp theo của Billboard Vietnam Hot 100 là Đi về nhà (Đen Vâu, JustaTee) và Gieo quẻ (Hoàng Thùy Linh, Đen Vâu).

BTS là đại diện Hàn Quốc duy nhất góp mặt trong top 10 với Universe hợp tác cùng Coldplay và Butter. Vị trí thứ 6 thuộc về Vũ với Bước qua nhau, Thịnh Suy cùng ca khúc Tiny love bám sát ở hạng 7. Muộn rồi mà sao còn của Sơn Tùng M-TP hiện đang đứng thứ 8.

TIN THẾ GIỚI

Campuchia triển khai tiêm vaccine mũi thứ 4 cho nhóm ưu tiên

Ngày 14/1, Campuchia bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng trong cộng đồng.

Theo Bộ Y tế Campuchia, các nhóm được ưu tiên tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, quân đội, cảnh sát, người cao tuổi cùng các quan chức cấp cao. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng ngày đã tiêm mũi vaccine thứ 4 và kêu gọi người dân tiêm phòng COVID-19 ngay khi đến lượt.

Tin nóng sáng 15/1: Hơn 90% học sinh trung học trở lại trường 4
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia.

Nhật Bản sẽ rút ngắn thời gian cách ly với lao động thiết yếu

Theo hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị rút ngắn thời gian cách ly hiện tại 14 ngày xuống còn 6 ngày đối với những lao động thiết yếu được xác định là tiếp xúc gần với những người bị nhiễm biến thể Omicron.

Động thái này nhằm giải quyết những quan ngại rằng sự gia tăng mạnh các cuộc tiếp xúc gần với người bị nhiếm biến thể Omicron, bao gồm cảnh sát, nhân viên chăm sóc trẻ em và nhân viên điều dưỡng, sẽ làm gián đoạn các hoạt động xã hội.

Với sự thay đổi chính sách này, chính quyền các tỉnh và thành phố sẽ phải phân loại để chọn ra những ngành nghề đủ điều kiện rút ngắn thời gian cách ly.

Ấn Độ: người dân đổ về sông Hằng làm lễ bất chấp số ca COVID-19 tăng

Hãng Reuters đưa tin vào hai ngày 14-15/1, các tín đồ theo đạo Hindu ở Ấn Độ tổ chức lễ hội Makar Sankranti tại nhiều địa phương. Một lượng lớn người dân sẽ tham gia hành lễ tắm sông Hằng tại đoạn chảy qua bang Tây Bengal ở miền Đông nước này. Nơi đây hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất cả nước sau bang Maharashtra ở miền Tây.

Tại bang Uttar Pradesh đông dân nhất, hàng nghìn tín đồ cũng sẽ tập trung tại bờ sông Hằng ở thành phố linh thiêng Prayagraj. Sáng 14/1, các tín đồ không khẩu trang đã diễu hành về phía bờ sông Hằng, xung quanh hai bên đường tấp nập người bán hoa tươi và bình gốm. 

Năm ngoái, một sự kiện tôn giáo lớn ở miền Bắc Ấn Độ đã góp phần làm cho số ca nhiễm virus ở quốc gia này gia tăng kỷ lục.

Tin nóng sáng 15/1: Hơn 90% học sinh trung học trở lại trường 5
Người dân tụ tập bên sông Hằng để làm lễ Makar Sankranti. 

Châu Âu siết chặt quy định đeo khẩu trang

Ý, nơi từng là tâm dịch COVID-19 tại châu Âu, đang kỳ vọng quy định đeo khẩu trang nghiêm ngặt hơn sẽ giúp nước này đánh bại làn sóng tăng ca mắc mới nhất. Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang áp dụng biện pháp tương tự Italy, đặc biệt ở thời điểm biến thể Omicron lan tràn khắp lục địa.

Tây Ban Nha cũng áp đặt quy định đeo khẩu trang ở ngoài trời từ dịp Giáng sinh. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đã yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trở lại từ cuối tháng 11/2021 sau khi nới lỏng các quy định vì đã đạt mục tiêu tiêm vaccine cho 86% dân số.

Hy Lạp tái phục hồi quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời và yêu cầu khẩu trang FFP2 trên phương tiện công cộng hoặc không gian trong nhà ở nơi công cộng.

Ở Pháp, quy định phải đeo khẩu trang ngoài trời được áp dụng từ tháng 12/2021 tại nhiều thành phố, trong đó có Paris. Thêm vào đó, trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từ 14 quốc gia

Chính phủ Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 14 quốc gia có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, quyết định trên được đưa ra do Omicron đã lan rộng ra 150/195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Việc duy trì lệnh cấm nhập cảnh sẽ gây khó khăn cho các hoạt động đi lại xuyên quốc gia vốn rất cần thiết để duy trì sự ổn định của đất nước và phục hồi kinh tế.

Bên cạnh việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh trên, Chính phủ Indonesia sẽ áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh kể từ ngày 12/1. 

Tin nóng sáng 15/1: Hơn 90% học sinh trung học trở lại trường 6
Hành khách tại sân bay quốc tế Juanda Surabaya ở Sidoarjo, Đông Java, Indonesia.

WHO cân nhắc bổ sung danh mục thuốc điều trị COVID-19

Trong một phát biểu ngày 14/1, một quan chức hàng đầu của WHO cho biết cơ quan này đang đánh giá hiệu quả của loại thuốc viên kháng virus chứa hoạt chất molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Dự kiến, khuyến nghị về việc sử dụng loại thuốc này sẽ được WHO công bố sớm nhất là trong tháng tới.

Ngoài ra, WHO cũng đang lên kế hoạch xem xét hiệu quả của thuốc kháng virus dạng uống do hãng Pfizer (Mỹ) bào chế, đồng thời dự kiến đưa ra khuyến nghị về loại thuốc này vào cuối tháng 2 tới.  

Trước đó, ngày 13/1, một hội đồng của WHO cũng đã khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus do hãng Eli Lilly sản xuất cùng thuốc do GSK và công ty công nghệ sinh học Vir hợp tác bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.