- TIN TRONG NƯỚC:
- Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế
- Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 sau 3 tháng
- An Giang: hàng quán được bán tại chỗ từ 20/12
- Tây Ninh: kích hoạt các tổ tuần tra lưu động
- Bộ Y tế yêu cầu Ninh Bình thu hồi văn bản cách ly người về từ Hà Nội
- Hà Nội: đến quý 3 - 2022 mới đón khách quốc tế
- Du khách đổ về Đà Lạt cuối tuần
- TIN THẾ GIỚI
TIN TRONG NƯỚC:
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế
Bộ Y tế nhận được báo cáo của một số sở y tế (TP.HCM, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh…) và một số nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực như Sovigaz, Oxy Đồng Nai... cho thấy có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ oxy y tế trong thời gian tới tại các tỉnh miền Tây.
So với thời kỳ đỉnh dịch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trước đây, lượng người bệnh hiện không cao hơn, tuy nhiên có thể sắp tới xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ do tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và đặc biệt là các tỉnh Tây Nam Bộ đột ngột bùng phát. Các nhà máy sản xuất khí oxy y tế lại chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, vì vậy việc vận chuyển oxy y tế đến các tỉnh Tây Nam Bộ cũng là một vấn đề khó khăn.
Bên cạnh đó, trong trạng thái bình thường mới các nhà sản xuất đã tăng sản lượng khí cung cấp cho các ngành công nghiệp, thực phẩm lên đáng kể, không còn tập trung vào công tác sản xuất oxy y tế. Do đó, trong thời gian tới Bộ đề nghị các đơn vị sản xuất, cung ứng tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế để đảm bảo liên thông, chủ động, ứng phó các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, đảm bảo điều trị cho người bệnh.
Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 sau 3 tháng
Ngày 17/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tế, Viên Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bảo vệ và nhắc lại. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung và mũi nhắc lại sau mũi cuối cùng của liều cơ bản là 3 tháng.
Tiêm liều bổ sung: người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Tiêm liều nhắc lại: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
An Giang: hàng quán được bán tại chỗ từ 20/12
Chiều 17-12 tỉnh An Giang có công văn áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt bỏ giờ hạn chế ra đường và cho bán ăn uống tại chỗ (trừ vùng đỏ).
Để thích ứng an toàn trong tình hình mới, tỉnh An Giang thống nhất chủ trương ngừng áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra đường từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4) kể từ ngày 20-12.
Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các nơi thuộc cấp độ 4 - vùng đỏ) được phép hoạt động với hình thức bán hàng phục vụ khách tại chỗ (không phục vụ bia, rượu), áp dụng nghiêm 5K, giảm quy mô công suất phục vụ còn 50%, khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2m. Chủ quán, tổ bếp và người phục vụ phải được tiêm vắc xin đủ liều sau 14 ngày; thực hiện quét mã QR khi đến địa điểm dịch vụ ăn uống.
Tây Ninh: kích hoạt các tổ tuần tra lưu động
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, hiện dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, ca mắc mới ngày càng gia tăng, các hoạt động tập trung đông người vẫn còn xảy ra nhưng thiếu sự quản lý, kiểm soát từ chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị Công an tỉnh tiếp tục phối hợp truy vết, điều phối xử lý thông tin phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Căn cứ cấp độ dịch đối với từng vùng, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các sơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là vùng phải tạm dừng hoạt động.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát, nhắc nhở những người hiện đang điều trị, cách ly y tế tại nhà (F0, F1), xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Trên tuyến biên giới, tỉnh cũng yêu cầu công an tăng cường bố trí lực lượng, phối hợp với bộ đội biên phòng để phòng ngừa xuất, nhập cảnh trái phép tại các trạm, các chốt phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế yêu cầu Ninh Bình thu hồi văn bản cách ly người về từ Hà Nội
Chiều 17/12, Bộ Y tế đã ký văn bản hỏa tốc gửi tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện nghị quyết số 128 trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc tỉnh Ninh Bình quy định yêu cầu người từ Hà Nội về Ninh Bình dù ở cấp độ dịch nào vẫn phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 có kết quả âm tính mới được sinh hoạt, làm việc bình thường.
Bộ Y tế yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình thu hồi văn bản nói trên đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Hà Nội: đến quý 3 - 2022 mới đón khách quốc tế
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chiều 17-12 cho biết, dự kiến từ quý 3-2022 thành phố khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn, không giới hạn về loại hình và quy mô, và bắt đầu triển khai đón khách quốc tế.
Trước mắt, quý 1 và 2-2022, Hà Nội mới chỉ tập trung đón khách du lịch nội địa gắn với các mô hình du lịch an toàn, và chuẩn bị các điều kiện để đón khách quốc tế từ quý 3. Kế hoạch phục hồi thị trường khách quốc tế Hà Nội tập trung khách tại các thị trường như Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước thu hút khách thị trường Bắc Mỹ, EU và các thị trường mới như châu Úc, Ấn Độ.
Hà Nội đặt mục tiêu đón 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế năm 2022. Năm 2021, Hà Nội đón 4 triệu lượt khách, bằng 53% lượng khách năm 2020 và chỉ đạt 13,82% lượng khách năm 2019.
Du khách đổ về Đà Lạt cuối tuần
Trong 2 ngày 16 và 17/12, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, người dân, du khách từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ ùn ùn đổ về Đà Lạt và các địa phương tại tỉnh Lâm Đồng khiến chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 số 1 tại đèo Chuối (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) ùn ứ, quá tải.
Theo các lực lượng làm nhiệm vụ, từ 10h ngày 17/12, lượng phương tiện chủ yếu là xe con cá nhân, xe khách và xe máy trên quốc lộ 20 qua chốt vào Lâm Đồng luôn nối đuôi nhau.
Khi qua chốt, chỉ riêng những người dân, du khách đến từ vùng đỏ (thuộc cấp độ 4) phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính đảm bảo thời hạn quy định mới được qua chốt. Tất cả người dân, du khách còn lại chỉ mất từ 3 - 5 phút khai báo y tế qua phần mềm PC-COVID để qua chốt.
TIN THẾ GIỚI
WHO cấp phép cho vắc xin COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin Covovax do Ấn Độ sản xuất, phiên bản vắc xin của hãng dược Novavax, mở đường việc phân phối vắc xin này cho cơ chế COVAX.
Trong thông báo hôm qua (17-12), WHO cho biết vắc xin Covovax, do Viện Serum Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của hãng dược có trụ sở tại Mỹ Novavax, sẽ được phân phối cho cơ chế COVAX để thúc đẩy nỗ lực tiêm ngừa COVID-19 ở những nước có thu nhập thấp.
Trợ lý tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Mariangela Simao khẳng định các loại vắc xin hiện có vẫn là một trong những công cụ hữu hiệu ngăn nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Novavax và Viện Serum, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới hiện nay, đã cam kết sẽ cung cấp 1,1 tỉ liều vắc xin cho cơ chế phân phối vắc xin quốc tế COVAX.
Mỹ: Học sinh chưa tiêm chủng, tiếp xúc gần ca COVID-19 vẫn đến trường học bình thường
CDC Mỹ tóm gọn hướng dẫn mới trong 3 chữ "Test to Stay". Theo đó, học sinh thuộc diện tiếp xúc gần người mắc COVID-19 sẽ được đến trường, vào lớp học bình thường kể cả khi chưa tiêm chủng. Điều kiện duy nhất là các em phải có kết quả âm tính liên tục trong những ngày sau tiếp xúc.
Theo báo New York Times, nhiều trường học thuộc một số học khu ở Mỹ đã áp dụng cách này trước khi có khuyến nghị ngày 17-12 của CDC. Một số trường chọn xét nghiệm 2 lần/tuần, một số nơi xét nghiệm 4 lần trong tuần đầu sau tiếp xúc.
Theo quy định trước đây, học sinh chưa tiêm chủng nếu chẳng may thuộc diện tiếp xúc gần ca bệnh sẽ phải nghỉ học ở nhà trong vòng 14 ngày. Học sinh đã tiêm vắc xin và không có triệu chứng COVID-19 vẫn tiếp tục đến trường nhưng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Nước Anh đứng trước nguy cơ dịch bệnh trầm trọng hơn
Nước Anh đang đứng trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trầm trọng hơn, khi số ca mắc mới trong 2 ngày qua liên tục ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Trong khi đó, số ca nhập viện và tử vong tăng trở lại trước thềm kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Sự lây lan của biến thể Omicron tại quốc gia này là yếu tố khiến tình dịch dịch bệnh trở nên phức tạp hơn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, con đường tốt nhất để quay trở lại cuộc sống bình thường là tiêm mũi vaccine tăng cường. "Số ca nhiễm biến thể Omicron ở thủ đô London hiện chiếm vào khoảng 40% và nó sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy điều tốt nhất mà tất cả chúng ta có thể làm bây giờ là tiêm mũi tăng cường".
Nhằm kìm hãm sự lây lan của Omicron, quốc gia láng giềng Pháp đã quyết định đình chỉ các hoạt động du lịch không thiết yếu từ nước này tới Anh và ngược lại kể từ đêm 18/12. Pháp hiện ghi nhận 240 ca nhiễm biến thể Omicron.
Hàn Quốc siết chặt phòng dịch đến đầu năm 2022
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hàn Quốc đã quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch bắt đầu từ hôm nay tới 2/1/2022. Quyết định đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Nước này hôm qua ghi nhận hơn 7.400 ca nhiễm mới COVID-19 và hơn 70 ca tử vong do COVID-19.
Theo quy định mới, số người được phép tụ tập tối đa trên phạm vi toàn quốc được giới hạn không quá 4 người. Các nhà hàng ăn uống phải đóng cửa trước 21 giờ tối. Những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình, hoặc dùng các dịch vụ mang đi hoặc giao hàng tận nơi.
Hiện, 92% người trưởng thành ở Hàn Quốc được tiêm phòng đầy đủ, nhưng số ca mắc mới đã tăng gần gấp 5 lần kể từ khi các quy định được nới lỏng vào tháng trước, trong khi số ca bệnh nghiêm trọng đã tăng gấp 3 lần.