Tin nóng sáng 18/3/2022: Bộ Y tế "siết chặt" việc bán thuốc điều trị COVID-19 tràn lan trên mạng

(VOH) - Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tăng cường quản lý về thuốc điều trị COVID-19.

 

TIN TRONG NƯỚC

Bộ Y tế: "siết chặt" việc bán thuốc điều trị COVID-19 tràn lan trên mạng

Trước hành vi đầu cơ, găm hàng, rao bán thuốc điều trị COVID-19 tràn lan trên mạng xã hội, hôm qua (17/3), Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tăng cường quản lý về thuốc điều trị COVID-19.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, tập huấn quy định pháp luật và hướng dẫn về mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19, Sở Y tế các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc. Triệt để ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.

Các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 tại các điểm kinh doanh không được cấp phép, mua, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác; các hoạt động mua, bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tin nóng, tin nóng VOH, COVID-19, Bộ Y tế, xét nghiệm PCR
Ảnh minh họa: TTO

Sở Y tế TP.HCM: Quá tải công việc hành chính xác nhận F0

Theo Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình số ca mắc tăng nhanh trên địa bàn TP, số người F0 cách ly điều trị tại nhà ngày càng tăng cao, hệ quả khó tránh khỏi chính là quá tải công việc hành chính xác nhận F0 và cấp giấy hoàn thành thời gian cách ly tại nhà, dẫn đến sự than phiền của người dân.

Ngày 17/3, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa bổ sung một tiện ích trong hoạt động chuyển đổi số quản lý F0 tại nhà, đó là gửi tin nhắn cảnh báo đến bác sĩ của trạm y tế khi người F0 thuộc nhóm nguy cơ cao vừa khai báo F0 xong tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn.

Hà Nội: số mắc mới hằng ngày giảm ngày thứ 10 liên tiếp

Hôm qua (17/3) là ngày thứ 10 số mắc COVID-19 liên tục giảm (tính từ ngày 7/3 khi Hà Nội ghi nhận trên 32.300 ca mới/ngày). So với ngày 7-3, số mắc mới ngày 17-3 ghi nhận được tại Hà Nội đã giảm trên 20%, số ca tử vong cũng giảm hơn. Lãnh đạo Hà Nội cho biết Hà Nội đã qua đỉnh dịch.

Thống kê chung của Bộ Y tế cho biết đến ngày 17/3 Hà Nội có số mắc COVID-19 tích lũy từ đầu mùa dịch là trên 916.000 ca, đứng đầu cả nước và cao gần gấp đôi so với TP.HCM là địa phương đứng thứ 2. Tuy nhiên, dịch bùng phát tại Hà Nội ở thời điểm vắc xin đã được bao phủ rộng rãi nên tỉ lệ tử vong/số mắc tại Hà Nội ở mức 0,2%, là mức thấp so với các địa phương khác.

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành:

- Hà Nội tối hôm qua 17/3 thông báo 24 giờ ghi nhận thêm 25.311 ca COVID-19 mới, giảm gần 1.000 ca so với ngày 16/3, trong đó có 8.133 ca cộng đồng. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca COVID-19 trong ngày ở thủ đô giảm, so với mốc 32.650 ca kỷ lục hôm 8/3, số ca COVID-19 ở Hà Nội giảm gần 7.000 ca. 

- Tính đến ngày hôm qua 17/3, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 36.600 ca COVID-19 đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên hiện nay, rác thải sinh hoạt của F0 đang điều trị tại nhà được thu gom, xử lý chung với rác thải thông thường. Điều này làm tăng nguy cơ lây mắc COVID-19 trong cộng đồng khi rác thải lây nhiễm không được phân loại và xử lý đúng quy định.

- Tiền Giang vừa nâng cấp độ dịch từ cấp độ 1 (vùng xanh) sang cấp độ 2 (vùng vàng). Trước đó, trong 8 tuần liên tục Tiền Giang ở "vùng xanh", tức vùng nguy cơ thấp. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tuần vừa qua đã có 10 thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 và cấp độ 3. Chỉ còn duy nhất huyện Cái Bè là khu vực thuộc cấp độ dịch 1 trong tỉnh.

- Cà Mau tạo điều kiện thuận lợi cho F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được đi làm, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. 

Tin nóng sáng 18/3/2022: Bộ Y tế
Ảnh minh họa: SGGPO

TP.HCM: vận động tắt điện từ 20h30 đến 21h30 ngày 26/3 hưởng ứng Giờ Trái đất

Hôm qua 17/3, UBND TP.HCM có kế hoạch hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất tại TP.HCM. Đây là sự kiện quốc tế thường niên được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tắt các thiết bị điện nhưng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 1 giờ.

Cụ thể, theo kế hoạch của UBND TP, đêm sự kiện chính sẽ diễn ra vào ngày 26-3, TP sẽ tổ chức trình diễn các tác phẩm Vũ điệu hành động xanh; giao lưu với các đại sứ; phát động chiến dịch Giờ Trái đất bằng cách tắt các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt từ 20h30 đến 21h30.

 

Để đảm bảo ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn TP, UBND TP đã đưa ra 2 phương án tổ chức. Nếu dịch bệnh được kiểm soát sẽ tổ chức trực tiếp tại Nhà văn hóa Thanh niên, kết hợp trực tuyến trên fanpage Giờ Trái đất Việt Nam, đồng thời kết nối đến 280 quốc gia trên thế giới. Trường hợp nếu dịch bệnh không cho phép tổ chức trực tiếp, sẽ tổ chức online bằng hình thức livestream trên fanpage Giờ Trái đất Việt Nam.

Tin nóng sáng 18/3/2022: Bộ Y tế
Ảnh minh họa: TTO

Từ 5/5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thu phí tự động không dừng

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vừa có văn bản gửi đến khách hàng, chủ phương tiện giao thông, người sử dụng phương tiện về việc triển khai thí điểm chỉ áp dụng thu phí không dừng ETC dối với các trạm thu phí tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Theo đó, dự kiến từ 0h ngày 5/5/2022, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ tạm dừng cung cấp các dịch vụ thu phí khác như: Thu phí một dừng (MTC) và thu phí bằng thẻ trả trước – Touch and Go (TNG) trên đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. 

Như vậy, chỉ có các phương tiện tham gia giao thông sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng và đảm bảo số dư trong tài khoản thì mới lưu thông được qua các trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Vĩnh Phúc: Trang trọng tổ chức Lễ dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên Xuân Nhâm Dần 2022

Sáng hôm qua 17/3, tại Trung tâm Lễ hội Tây Thiên, UBND huyện Tam Đảo phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên Xuân Nhâm Dần 2022.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga...đã dự Lễ dâng hương.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện Tam Đảo cùng các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tổ chức Lễ dâng hương Quốc Mẫu ngắn gọn, trang trọng và thành kính; qua đó nhằm giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Khu danh thắng Tây Thiên và hình tượng Quốc mẫu Tây Thiên tới người dân, du khách.

Quốc Mẫu tên thật là Lăng Thị Tiêu, được Hùng Chiêu Vương thứ VII lập làm Chính Vương phi, có công lập binh mã giúp Vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước, chiêu mộ quân sĩ, củng cố vương triều. Khu Di tích tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1991.

TIN THẾ GIỚI:

Tình hình Covid-19 trên thế giới sáng 18/3/2022

Đến sáng 18/3, thế giới có trên 465,36 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,08 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,3 triệu ca mắc và hơn 995.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 12.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 17/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 656.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,47 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 17/3, Anh đã phê duyệt liệu pháp dự phòng điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể của hãng AstraZeneca. Liệu pháp này dành cho những người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu. Đây là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được cấp phép sản xuất dự phòng điều trị COVID-19.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc lần đầu tiên vượt con số 600.000 ca/ngày trong ngày 16/3. Số ca mắc mới tăng 55% so với ngày trước đó và phần lớn là ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, ngày 17/3, Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 621.328 ca nhiễm COVID-19 mới và 429 người tử vong.

Tin nóng sáng 18/3/2022: Bộ Y tế
Hơn 465,36 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Ireland dương tính với COVID-19

Thủ tướng Ireland Martin đã tham dự một buổi tiệc ở Washington (Mỹ) vào tối 16/3 và nhận được tin về kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có mặt tại buổi dạ tiệc này nhưng không rõ liệu hai nhà lãnh đạo có tiếp xúc gần với nhau hay không. Thủ tướng Martin (61 tuổi) và Tổng thống Biden (79 tuổi) đều đã tiêm hai mũi vaccine cơ bản và liều tăng cường.

Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Chris Meagher nói với hãng tin CBS News rằng, Tổng thống Biden đã không tiếp xúc gần với ông Martin.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ xác định rằng, một người có thể bị lây nhiễm COVID-19 nếu có tiếp xúc gần với người bệnh, xảy ra khi một người nào đó "cách người bị nhiễm bệnh ít hơn 6 feet (gần 2 m) trong tổng thời gian tích lũy từ 15 phút trở lên trong khoảng thời gian 24 giờ".

Campuchia bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh

Theo thông báo, Campuchia miễn thủ tục xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ và miễn cả xét nghiệm nhanh đối với du khách nhập cảnh vào Campuchia. Bên cạnh đó, Campuchia sẽ cấp lại thị thực nhập cảnh cho tất cả khách du lịch quốc tế, bao gồm cả khách du lịch đường hàng không, đường bộ và đường thủy.

Tuy nhiên, tất cả hành khách phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nếu không người nhập cảnh phải cách ly trong 14 ngày tại địa điểm do Bộ Y tế Campuchia quy định.

Cùng ngày, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo sẽ xem xét lại các biện pháp phòng chống COVID-19 trong những ngày tới.

Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chính quyền đặc khu sẽ đưa ra các quy định mới nhất về các biện pháp phòng chống COVID-19 vào khoảng ngày 20 - 21/3 tới, không đợi đến thời điểm các hạn chế được áp dụng phòng dịch hết hiệu lực vào ngày 20/4.

Tin nóng sáng 18/3/2022: Bộ Y tế
Du khách quốc tế nhập cảnh vào Campuchia phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Tourism Cambodia

Dân Nga đổ xô đi mua đường tích trữ

Nhiều người Nga coi đường là một sản phẩm hữu ích cần tích trữ trong thời kỳ khủng hoảng và đã vội vã đi mua sau khi các trừng phạt của phương Tây đang làm đồng rúp mất giá, khiến giá cả các mặt hàng lương thực tăng cao.

Ngày 17-3, Cơ quan chống độc quyền liên bang Nga FAS thông báo: "Thiếu đường trên kệ hàng ở một số khu vực là do nhu cầu tăng, nhưng tình trạng này nghiêm trọng hơn vì các tổ chức không trung thực". Cơ quan này cho biết sẽ thanh tra các nhà máy sản xuất đường, các chuỗi bán lẻ và các nhà trung gian.

Số liệu của Cơ quan thống kê Nga Rosstat cho thấy đến ngày 11-3, lạm phát ở Nga đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2015. Giá đường đã tăng 12,8% trong tuần trước. Nhà chức trách đã trấn an người dân rằng không có lý do gì để đổ xô đi mua thực phẩm.

* Với 424 phiếu thuận và chỉ có 8 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế Nga, mở đường cho việc Mỹ áp thuế quan bổ sung hàng trăm tỉ USD hàng hóa Nga.

Liên Hiệp Quốc thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan

Ngày 17/3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu về việc thiết lập quan hệ chính thức với Afghanistan do lực lượng Taliban điều hành, nhưng nghị quyết không đề cập đến từ 'Taliban'.

Nghị quyết xác định một số lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo, chính trị và nhân quyền, trong đó có quyền cho phụ nữ, trẻ em và nhà báo ở Afghanistan.

Nghị quyết được thông qua với 14 phiếu ủng hộ và 1 phiếu trắng của Nga.

Bà Mona Juul - đại sứ Na Uy tại Liên Hiệp Quốc (quốc gia soạn thảo nghị quyết) - trả lời Hãng tin AFP sau cuộc bỏ phiếu cho rằng: "Nhiệm vụ mới này với Phái bộ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan là rất quan trọng, không chỉ để ứng phó với khủng hoảng kinh tế và nhân đạo trước mắt, mà còn để đạt được mục tiêu bao trùm của chúng tôi là hòa bình và ổn định ở Afghanistan".

Cũng trong ngày 17/3, chính quyền Taliban cho biết đã thành lập một ủy ban hỗ trợ hồi hương người dân Afghanistan sơ tán sau khi lực lượng này trở lại kiểm soát nước này từ tháng 8-2021.