Nghệ An: Phát hiện 2490 ca nhiễm COVID-19 qua test nhanh, 7 bệnh nhân nặng tử vong
Sáng nay 20/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 19/2 đến 6 giờ ngày 20/2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.242 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 1.242 ca cộng đồng, 862 ca đã được cách ly từ trước (861 ca là F1, 1 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Trong 24 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 2.490 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 575 ca cộng đồng. Cũng trong 24 giờ qua tại Nghệ An ghi nhận có 7 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.
Tại Nghệ An diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hiện tỉnh đã có 167 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đỏ. Được biết, kể từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 48.103 ca nhiễm Covid-19.
Đồng Nai: Trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tăng cường bảo vệ, chăm sóc
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã triển khai Chỉ thị về tăng cường các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến các sở, ban, ngành liên quan, các đoàn thể, đơn vị liên quan trên địa bàn.
Theo đó, toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai hướng dẫn xác định người nhiễm COVID-19, kết thúc thời gian cách ly điều trị F0 và cách ly, xử lý y tế F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở y tế, đơn vị khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo đủ phương tiện, điều kiện tiếp nhận, thu dung để điều trị và chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19 và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Củ Chi được đề xuất lên thành phố thay vì lên quận
Đó là đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia tại Hội thảo khoa học định hướng, tiềm năng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Củ Chi do UBND H.Củ Chi (TP.HCM) phối hợp cùng Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức ngày hôm qua 19/2.
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND H.Củ Chi, do là vùng chuyển tiếp giữa vùng Đông Nam bộ và vùng Tây Nam bộ, H.Củ Chi giữ vai trò trung tâm, kết nối phát triển một vùng rộng lớn khi tiếp giáp H.Hóc Môn của TP.HCM và các địa phương như Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Dù có nhiều tiềm năng, nhưng thời gian qua Củ Chi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa đang có. Thời gian tới cần đánh thức, vươn lên mạnh mẽ, cần có chính sách để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, thu hút những tinh hoa đến với Củ Chi nhằm xây dựng một đô thị phát triển bền vững. Tại hội thảo, UBND H.Củ Chi đưa ra 9 dự án đang thu hút đầu tư, với quy mô gần 6.000 ha để kêu gọi đầu tư.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), cho biết theo quy hoạch hiện hữu, H.Củ Chi định hướng phát triển những khu vực chức năng như khu đô thị Tây Bắc là khu đô thị hiện đại, sinh thái, phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; là trung tâm cấp TP về phía tây - bắc với các chức năng trung tâm dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí.
Cần Thơ: Nam thanh niên kêu gọi quyên góp, chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Ngày 20/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc (29 tuổi, ở ngụ tỉnh Kiên Giang) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Được biết, Phúc đã sử dụng tài khoản “Nguyễn Minh Minh” đăng bài viết trên mạng xã hội về các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện. Sau khi tài khoản này bị khóa do vi phạm chính sách của Facebook, Phúc mua tài khoản Facebook “Nguyễn Ngọc”, tiếp tục đăng các trường hợp nói trên. Cảnh sát xác định Phúc đổi tên tài khoản “Nguyễn Ngọc” thành “BAO CAN THO” để mọi người lầm tưởng đây là tài khoản của Báo Cần Thơ.
Nhiều người sau đó đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Phúc cung cấp để ủng hộ các trường hợp nói trên. Tuy nhiên, Phúc đã chiếm đoạt tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân. Quá trình điều tra, Phúc khai nhận chiếm đoạt 3 tỷ đồng.
Tạm dừng chạy tàu Hà Nội – Vinh từ ngày mai 21/2
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vừa quyết định tạm dừng chạy đôi tàu khu đoạn Hà Nội - Vinh do nhu cầu đi tàu của hành khách sụt giảm sau Tết Nhâm Dần.
Cụ thể, tàu NA2 xuất phát tại Vinh tạm dừng chạy từ ngày 21/2/2022; Tàu NA1 xuất phát tại Hà Nội tạm dừng chạy từ ngày 22/2/2022. Hành khách có vé tàu NA1/2 trong các ngày tạm dừng chạy, trả vé trực tiếp tại nhà ga không mất phí, hoặc đổi vé đi tàu Thống nhất. Hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có 4 đôi tàu Thống nhất có dừng đón, tiễn khách tại Vinh là SE3/4, SE5/6, SE7/8 và SE11/12.
Theo doanh nghiệp này, đường sắt đang triển khai chương trình khuyến mãi giảm giá vé 50% cho hành khách đi trên các đoàn tàu từ ngày 21/2 đến ngày 31/3/2022.
Hôm nay (20/2): Hà Nội rét đậm, miền Bắc xuất hiện nhiệt độ âm
Khu vực Hà Nội ngày hôm nay (20/2) có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ.
Dự báo trong những giờ tới, vùng mây dông này sẽ tiếp tục phát triển, gây mưa rào và dông cho các khu vực nói trên sau đó có khả năng lan rộng ra các quận/huyện nội thành khác của khu vực tp. Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cũng theo dự báo, hôm nay (20/2), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi thuộc Nam Trung Bộ.
Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Dự báo từ nay (20/2) đến ngày 21/2, khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1. Trong đất liền Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4; vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-5m. Vùng biển ngoài khơi Trung Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2-4m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.
TIN THẾ GIỚI
COVID-19 thế giới ngày 20/2: Số tử vong vẫn tăng, Mỹ duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng vẫn hiện hữu.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét cấp phép liều vắc xin COVID-19 thứ 4 của Pfizer-BioNTech và Moderna vào mùa thu. Việc liều vắc xin tăng cường thứ 2 có nên được cấp phép cho nhóm tuổi nào sẽ là vấn đề trọng tâm.
Anh: Dừng biện pháp ngăn ngừa đột ngột có thể đẩy số ca lên cao
Theo trang Euronews, giới khoa học Anh cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng trở lại nếu như chấm dứt đột ngột các quy định về làm xét nghiệm COVID-19 và cách ly.
Dẫn phân tích của Đại học Warwick, các chuyên gia trong Nhóm khoa học lập mô hình đại dịch cúm của Chính phủ Anh (SPI-M-O) chỉ ra rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 giúp giảm mức độ lây nhiễm từ 20-45%.
Tuy nhiên, nếu các biện pháp này bị rút lại, tỉ lệ lây nhiễm có thể tăng lên từ 25-80%.
Chưa kể, các yếu tố khác như miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ góp phần đẩy nhanh lây lan dịch bệnh.
Hiện biến thể BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đang tăng mạnh ở Anh so với các biến thể khác.
Úc báo cáo 43 ca tử vong trước khi mở biên
Theo Hãng tin Reuters, Úc đã ghi nhận 43 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 vào ngày 19/2, trong bối cảnh nước này chuẩn bị chào đón khách du lịch quốc tế từ ngày 21/2.
Đây là lần đầu tiên Úc quyết định mở cửa sau gần 2 năm. Quốc gia này đã đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, và dần dần mở cửa trở lại kể từ tháng 11/2021.
Từng là nước đi đầu trong chiến lược "Zero-COVID", quốc gia này đã chuyển sang sống chung với dịch bệnh, chủ yếu nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao giúp giảm số ca bệnh nặng hơn và nhập viện.
Ngay cả Tây Úc - tiểu bang giữ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất nước này trong gần 700 ngày - đã quyết định sẽ mở cửa trở lại cho những du khách được tiêm 3 liều vắc-xin.
EU viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 210 triệu euro
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố khoản viện trợ không hoàn lại tối đa 210 triệu euro từ năm 2021 - 2024 cho Việt Nam.
Khoản viện trợ này nằm trong chương trình hợp tác định hướng đa niên (MIP) nhằm giúp Việt Nam củng cố và cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực ưu tiên như nền kinh tế tuần hoàn số thích ứng với khí hậu, tinh thần khởi nghiệp có trách nhiệm và nâng cao tay nghề để hướng đến việc làm xứng đáng, cũng như tăng cường quản trị, pháp quyền và cải cách thể chế.