Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin TPHCM ngày 27/01/2016: Mang Tết đến với người nghèo

(VOH) - Những ngày tết cổ truyền đang đến thật gần. Mọi người tất tả ngược xuôi, vun vén với mong muốn một cái Tết đầy đủ. Nhưng đối với người nghèo thì ngày Tết với họ là điều phải suy tính. Đủ cơm ăn ngày 2 bữa đã là may mắn chứ nào dám nghĩ chuyện sắm sửa.

“Không để bất cứ gia đình nghèo nào không có Tết" là chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy TPHCM nhiều năm qua. Thực hiện sự chỉ đạo này, hàng trăm ngàn phần quà Tết được các ban ngành, đoàn thể đưa đến mái ấm, nhà mở, trao tận tay những trẻ em nghèo, lang thang, cơ nhỡ, các gia đình chính sách, người nghèo, người già neo đơn... Đó là tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp, ấm áp mỗi khi Tết đến, Xuân về của các cấp chính quyền và người dân TP.

Từ gia đình chật vật lo từ bữa ăn

Nhắc đến Tết, anh Nguyễn Nhật Minh, hội viên Hội người mù, phường Tam Bình, quận Thủ Đức chia sẻ: Ý nghĩa không nằm ở giá trị món quà lớn hay nhỏ, mà vượt lên trên là giá trị tinh thần. Đó là nguồn động lực để gia đình anh nỗ lực hơn trong cuộc sống, sống xứng đáng hơn với sự quan tâm của cộng đồng.

“Vợ tôi thì hỏng hai mắt, còn tôi mắt chỉ còn 1/10, chúng tôi chuyển từ Hà Nội vào. Chúng tôi đi bán tăm cho Hội người mù, thu nhập thấp lắm, chưa đến 10 triệu một năm, chúng tôi rất là xúc động khi được các ngành các cấp quan tâm thăm hỏi, tặng quà Tết”, anh Minh cho biết thêm.

Đời sống bấp bênh, với gia đình anh Đặng Thành Nghiêm cùng ở phường Tam Bình, Thủ Đức thì ngày thường lo bữa ăn đã chật vật, nên chẳng dám nghĩ đến một cái Tết tươm tất, đầy đủ hương vị. Tết này gia đình anh đã khá tươm tất với bánh mứt cho 4 đứa con đón tết và một số nhu yếu phẩm cần thiết do TP trao tặng. 

“Có một mình em đi làm mà lo một vợ và 4 đứa con, bà xã em bị động kinh mới bớt được một năm trở lại đây, mấy năm trước chỉ có làm việc nhà. Trước giờ em cũng làm nhiều nghề, từng học nghề thợ hồ nhưng vợ bệnh nên không thể đi làm được” - anh Nghiêm nói.

Còn ông Mạnh Bá Tòng, phường Bình Thọ, xúc động: Tết này là Tết thứ tư tôi được nhận quà. Vui và cảm động vì Ðảng, Nhà nước, quan tâm, chăm lo chu đáo để người nghèo đón Tết đầm ấm, vui vẻ. Nhưng buồn vì gia đình mình chưa thoát ra khỏi danh sách cần trợ giúp. Gia đình ráng đến Tết sang năm mình không còn được nhận quà nữa mới vui hơn.

Anh Thọ xúc động: “Được mọi người chiếu cố đó là niềm vui mà không thể diễn tả được. Xin cảm ơn tất cả tấm lòng của mọi người trong xã hội cũng như UBND TP, chính quyền địa phương đã chăm sóc những người trong cảnh khó khăn, mong sao mọi người đều được sự an vui”.

Người già neo đơn

Tết là khoảng thời gian để con cháu về sum vầy cùng cha mẹ, ông bà, thể hiện những tình cảm yêu thương, hiếu thuận với đấng sinh thành. Với những cụ già không nơi nương tựa, đặc biệt là những cụ già lang thang, ăn xin đang sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương, Tết này họ không còn lẻ loi mà được đón xuân với những người cùng hoàn cảnh một cách đầm ấm.

“Có công việc gia công nhẹ nhàng vậy mình làm.Thích lắm! vì có thêm tiền để ăn trầu cau, uống cà phê. Tết bận đồ mới thì vui và mừng vì thêm một tuổi mà lại thấy khỏe, thấy vui”, cụ Trần Thị Trầm, 89 tuổi tâm sự.

Sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa các cụ luôn hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Xuân này, các cụ được tặng 2 bộ quần áo để đón Tết, được nhận nhiều quà mừng tuổi từ những tấm lòng hảo tâm. Ai cũng vui, cũng mừng.

Ông Phạm Đắc Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa cho hay: “Chúng tôi tổ chức chương trình đặc biệt đêm giao thừa, gồm những bà con, rồi mạnh thường quân, những anh em trong trung tâm hát cho nhau nghe. Giao thừa thì chúc Tết bà con để cho vơi đi nỗi nhớ nhà và những khó khăn trong cuộc sống”.

Trẻ em cơ nhỡ

Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố Hồ Chí Minh năm nay sẽ tiếp tục tổ chức chương trình "Tổ ấm ngày xuân” cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động nhằm mang đến cho các em hương vị ngày tết.

Em Trần Ngọc Bảo Yến, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Hóc Môn được tham gia chương trình lần này, em cười tươi rói, nói: “Chưa Tết nhưng con đã có quà và bao lì xì để mua quần áo mới rồi! - Con cảm thấy rất vui, vì con được các anh chị dẫn đi chơi. Con được ngắm hoa, được thưởng thức rất nhiều món ngon, cả giày dép mới nữa. Con sẽ cố gắng học giỏi cho ba mẹ vui”.

Chị Dương Thị Kiều Oanh – Ban phụ trách Nhà thiếu nhi Hóc Môn cho biết: cha mẹ của các em thường đi làm ở các khu công nghiệp, hoặc làm nông, lao động nhập cư nên không có điều kiện chăm sóc nên về văn hóa, giáo dục cũng như vui chơi cho các em còn thiếu thốn rất nhiều so với trẻ em ở TP.

Chị Oanh cho biết, ở địa bàn tình trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng còn rất nhiều, cho nên những hoạt động của TP như thế này giúp cho các em có một mùa xuân vui và có ý nghĩ hơn, đồng thời thể hiện sự chăm lo của Nhà nước đối với các hoàn cảnh khó khăn của các em.

Công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Không riêng gì các gia đình nghèo, các cụ già không nơi nương tựa, các em có hoàn cảnh khó khăn.... Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các bạn thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Dương Ngọc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành phố thông tin Trung tâm sẽ tổ chức tặng 1.000 vé xe cho công nhân về quê đón Tết tại miền Bắc và miền Trung. Đối với những người không có điều kiện về quê đón Tết chúng tôi có tổ chức hoạt động cho thanh niên công nhân vui Tết tại 10 khu lưu trú văn hóa và các đơn vị ở các quận, huyện Đoàn để tổ chức các chương trình văn nghệ, vui chơi, giải trí. Những chương trình trang trí cành mai, cành đào, gói bánh tét - bánh chưng để các bạn có không khí xuân trong những ngày Tết”.

Tin TPHCM ngày 27/01/2016: Mang Tết đến với người nghèo 1

Những tấm vé nghĩa tình của tổ chức Công đoàn giúp công nhân về quê, đón Xuân ấm cúng - Ảnh: NLĐ.

Gia đình chính sách

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP, Phó Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo - tăng hộ khá của thành phố cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường, từ nghèo đơn chiều sang đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở… đồng thời sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững… Và trước mắt với hơn 59.000 hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có mức quà tặng là 950.000 đồng/hộ.

“Để chăm lo Tết cho người nghèo, TP tổ chức các đoàn đến thăm các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, các quận huyện cũng chủ động tăng cường việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, khó khăn được hưởng cái Tết đảm bảo, trọn vẹn” - ông Nguyễn Văn Xê nói.

Đâu đó, ở nhiều góc khuất của thành phố sầm uất này chúng ta sẽ không khó để bắt gặp những mảnh đời khốn khó, bất hạnh phải “đón xuân trên đường mưu sinh”. Họ luôn mong chờ vòng tay của xã hội mỗi dịp xuân về để thấy ấm lòng trong tiết trời se lạnh của mùa xuân. Và với tất cả trách nhiệm và tình cảm, Ðảng bộ, chính quyền, các cấp đang làm hết sức mình để mùa Xuân đầm ấm, yên vui thật sự đến với mọi người, mọi nhà.

Bình luận