Chờ...

Tình hình dịch bệnh Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng

Ngày 29/12, Ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức lễ tổng kết chương trình “Đi an toàn - Về hạnh phúc” và cuộc thi “Thính giả với an toàn giao thông" năm 2021.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI TPHCM:

TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng

Ngày 29-12, Ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức lễ tổng kết chương trình “Đi an toàn - Về hạnh phúc” và cuộc thi “Thính giả với an toàn giao thông" năm 2021.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Tường - nguyên phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP - khẳng định, chương trình "Đi an toàn - Về hạnh phúc" đã thu hút rất đông đảo người dân hiến kế giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP. 

Đặc biệt, thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân cũng thường xuyên góp ý về việc phòng, chống dịch bệnh trên xe công cộng đảm bảo tránh lây lan, tài xế và hành khách đều an toàn.

Đồng thời, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP đã có những chuyên đề, phương án xử lý kéo giảm ùn tắc, tai nạn hợp lý. Hiện nay, TP vẫn đang nỗ lực đề ra các chính sách mới, tuyên truyền vận động nhằm nâng cao ý thức người dân chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông kết hợp phòng, chống dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi. 

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 1

Lãnh đạo các đơn vị trao giải cho người dân đoạt giải cuộc thi “Thính giả với an toàn giao thông" năm 2021 - Ảnh: VOH

Hết năm 2021, vẫn còn 23 chợ tại TP.HCM chưa mở lại được

Từ hôm nay (29.12) đến hết ngày 31.12, theo kế hoạch, TP.HCM sẽ mở thêm 7 chợ truyền thống, nâng số chợ mở cửa hoạt động trở lại lên 210 chợ trong tổng số 233 chợ truyền thống của thành phố.

Cụ thể, 7 chợ được mở trong 3 ngày tới là chợ Khiết Tâm, chợ Tam Hải, chợ Lê Mai (Linh Trung 2, TP.Thủ Đức); chợ Tân Kiểng 1, chợ Tân Quy, chợ Cư xá Ngân Hàng (quận 7) và chợ Nguyễn Văn Chéo ở quận Bình Tân.

Như vậy, hết năm nay, còn 23 chợ truyền thống chưa mở cửa trở lại. Trong khi đó, 3 chợ đầu mối đã mở và đang hoạt động bình thường. Hiện các chợ mở lại chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Tính đến ngày 29.12, TP.HCM có 106 siêu thị hoạt động, 73 cửa hàng tiện lợi đang tạm ngưng hoạt động do hoạt động kinh doanh kém, không thể duy trì, một số cửa hàng chủ động đóng cửa để điều động nhân sự cho siêu thị, kho, trung tâm phân phối hoặc tạm ngưng để cải tạo, sửa chữa.

TP.HCM đề xuất cho học sinh đi học lại từ ngày 3-1

Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất với UBND TP cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 đi học lại từ ngày 3-1. Riêng các khối lớp còn lại, sở sẽ đề xuất trong thời gian tới tùy thuộc vào dịch bệnh.

Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở TP.HCM đều đã tiêm hai mũi vắc xin. Vì vậy, tỉ lệ phụ huynh đồng thuận cho con em đến trường cao hơn các khối lớp khác.

Được biết, tại cuộc họp của UBND TP.HCM với các quận, huyện và TP Thủ Đức chiều 28-12 về việc đi học lại, có 19 quận, huyện đồng thuận việc mở rộng cho học sinh các khối lớp còn lại của trường THCS, THPT đi học trực tiếp. Còn 3 đơn vị là quận 1, Củ Chi và TP Thủ Đức chưa đồng thuận chủ trương này.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh ở TP.HCM cho biết: "Nhu cầu đi học lại của học sinh hiện đang rất bức thiết vì các em đã phải ở nhà học trực tuyến gần 8 tháng".

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 2

Trường THCS Thanh Đa, quận Bình Thạnh, tổ chức diễn tập phương án phòng chống dịch cho học sinh lớp 9 trước khi học sinh đi học chính thức. Đến nay, TP.HCM đã có hơn 95% học sinh lớp 9, 12 đi học lại - Ảnh: TTO

TP.HCM: Đề xuất hỗ trợ 480.000 - 700.000 đồng/tháng cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19

Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do dịch COVID-19.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề xuất đối với người già neo đơn do COVID-19 sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đồng thời, người từ 60 tuổi trở lên được hỗ trợ 480.000 đồng/người/tháng, người từ 80 tuổi trở lên được hỗ trợ 700.000 đồng/người/tháng.

Đối với trẻ mồ côi do dịch COVID-19, Sở LĐ-TB&XH đề xuất miễn học phí cho các em đến hết chương trình phổ thông trung học, giáo dục nghề nghiêp và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Đồng thời, trẻ có cả cha và mẹ tử vong; trẻ em đã mồ côi cha hoặc mẹ trước đó, hiện người còn lại cũng tử vong do COVID-19; trẻ đã mồ côi cả cha mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ sống với ông bà, người nuôi dưỡng nhưng bị tử vong COVID-19, nếu dưới 4 tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ/tháng, trẻ từ 4 tuổi trở lên được hỗ trợ 700.000 đồng/trẻ/tháng.

TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI CÁC TỈNH, THÀNH:

Ca nhiễm Omicron ở Việt Nam không có khả năng lây cộng đồng

Trả lời báo chí sáng nay, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, cho biết trên chuyến bay có ca mắc COVID-19 biến chủng Omicron có 165 người, tất cả đã được cách ly tập trung theo quy định dành cho người nhập cảnh.

Theo giáo sư Lân, ca nhiễm biến chủng Omciron vừa phát hiện là ca bệnh xâm nhập được quản lý chặt chẽ nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Hiện Bộ Y tế đã gửi công điện cho các địa phương để quản lý, theo dõi sát các trường hợp trên, đồng thời chủ động chuẩn bị mọi giải pháp đáp ứng với biến chủng Omicron.

Nhiều tỉnh, thành không hạn chế người dân về quê đón Tết

Tại Nghệ An, UBND tỉnh cho biết, Covid-19 tại địa bàn đang phức tạp song địa phương không hạn chế người dân trở về quê đón Tết Nguyên đán 2022. Theo kế hoạch, đêm giao thừa tết Dương lịch 2022, thay vì tổ chức đêm hội tại quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh) với hàng nghìn người tham gia như các năm trước, năm nay sẽ làm trực tuyến.

Tính từ đầu dịch đến nay, Nghệ An ghi nhận hơn 7.400 ca nhiễm nCoV. Sở Y tế đã lên kế hoạch thí điểm điều trị F0 tại hai địa phương đầu tiên là TP Vinh và thị xã Cửa Lò trong thời gian tới.

#Hà Tĩnh cũng không hạn chế người về địa bàn trong dịp Tết. Với những người về từ các vùng dịch ở cấp độ 3 và 4, chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Từ ngày 4/6 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận hơn 1.500 ca mắc Covid 19. Dịch ở địa bàn được đánh giá ở cấp độ 2, nguy cơ trung bình.

#Tại Thừa Thiên Huế, người dân từ TP HCM và các địa phương có dịch về quê dịp Tết không bị cách ly, song cần khai báo y tế, quét mã QR tại sân bay, nhà ga và các cửa ngõ. Từ 28/4 đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận hơn 11.000 ca mắc Covid 19. Nhà chức trách bắt đầu áp dụng, cách ly điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà từ ngày 28/12.

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 3

Người dân Hà Tĩnh từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch trên tàu chuyên biệt hồi cuối tháng 7. Ảnh: Vnexpress

Quảng Nam: khuyến khích người dân không trở về tỉnh khi không cần thiết

Nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phòng, chống dịch, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết.

Tỉnh yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về địa phương phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định. Các hoạt động lễ hội, vui xuân, đón Tết, cần phải tăng cường kiểm soát về phòng, chống dịch Covid-19.

Bắc Ninh: Từ hôm nay 29-12 tạm dừng dịch vụ ăn, uống tại chỗ

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Bắc Ninh quyết định tạm dừng hoạt động đối với các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, cà phê tại chỗ vào tất cả thời gian trong ngày, chỉ cho phép bán hàng mang về; không tổ chức các sự kiện tụ tập đông người như liên hoan tất niên từ ngày 29/12/2021 đến hết ngày 12/1/2022.

Người dân không ra ngoài từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về. Những trường hợp này phải có giấy tờ liên quan như thẻ, giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác. Các hoạt động ngoài trời không được tập trung quá 10 người, đảm bảo giãn cách tối thiểu 2 mét giữa người với người.

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 4

Phong tỏa khu 3, thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: TTXVN

TÌNH HÌNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI:

Hong Kong siết chặt quy định cách ly với phi hành đoàn

Hôm qua, giới chức y tế Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo siết chặt các quy định cách ly với các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận chuyển hàng hóa để giảm thiểu nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2

Theo các biện pháp mới, các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay vận tải hàng hóa phải cách ly 3 ngày trong khách sạn trước khi trở về nhà để tiếp tục cách ly. Hầu hết các ca mắc mới ghi nhận gần đây trong nhóm các thành viên phi hành đoàn đều được xác nhận trong 3 ngày đầu tiên sau khi trở về. 

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 5

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nhật Bản xem xét tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân

Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố chính phủ nước này sẽ cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người dân "nhiều nhất có thể" do lo ngại về biến thể Omicron.

Theo đó,  sẽ đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp phòng dịch để người dân có thể cảm thấy an toàn khi vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron. Trong tuyên bố, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh ngoài 31 triệu nhân viên y tế và người lớn tuổi, chính phủ sẽ xem xét tiêm mũi thứ ba cho nhiều người nhất có thể.

Myanmar ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Hôm qua, Bộ Y tế Myanmar xác nhận 4 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở nước này.

Biến thể Omicron đã được phát hiện trong 4 mẫu bệnh phẩm của những người trở về từ Dubai, Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Chỉ có 1 trong 4 người nhiễm biến thể mới này là có biểu hiện triệu chứng mắc bệnh và tất cả bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe tốt. 

Đức mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid điều trị COVID-19

Hôm qua, Bộ trưởng Y tế Đức cho biết chính phủ nước này đã quyết định mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ trưởng nước này, Paxlovid rất được kỳ vọng vì khi được sử dụng sớm, thuốc này có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng do virus gây ra. Với loại thuốc này, hy vọng sẽ có thể ngăn ngừa nhiều ca bệnh nặng do COVID-19.

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 6

Thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer sản xuất tại Freiburg, Đức, ngày 16/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

KHUYẾN CÁO:

Test nhanh COVID-19 tại nhà làm sao cho kết quả đúng nhất?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ca bệnh nghi ngờ nếu có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 được coi là ca bệnh COVID-19. Điều kiện cho việc khẳng định này là test nhanh do Bộ Y tế cấp phép; việc test do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, tất cả thành phần bộ sinh phẩm được để ở nhiệt độ phòng 15-30 độ C trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút. Bộ sinh phẩm bị nhiễm ẩm có thể làm giảm độ ổn định của chất thử. Vì vậy, người dân cần sử dụng ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bạc.

CDC Hà Nội hướng dẫn 6 bước thực hiện test nhanh:

1. Trước khi lấy mẫu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay.

2. Chuẩn bị lấy mẫu:

Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.

3. Lấy mẫu bệnh phẩm (Lưu ý: bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác)

a) Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)

Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

- Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

b) Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)

Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu. Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

4. Tách chiết mẫu:

- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.

- Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.

- Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.

5. Đọc kết quả:

Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không được đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm. Kết quả âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).

Kết quả dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.

Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.

Người dân cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.

6. Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng:

Tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi.

Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", để nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào rác thải sinh hoạt thông thường.

Tin tổng hợp Covid-19 29/12: TPHCM chú trọng phòng, chống dịch COVID-19 trên xe công cộng 7

Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: TTO