Tình hình tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3: Chạy đua với mưa bão

(VOH) - Trong ngày 14/10, lực lượng cứu hộ theo đường thuỷ sau nhiều giờ vượt rừng, băng thác đã tiếp cận được khu vực xảy ra vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Tình hình tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3:

Sáng 15/10, các lực lượng chức năng tiếp tục công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các công nhân mắc kẹt tại Thủy điện Rào Trăng 3, 4 và 13 cán bộ, chiến sĩ bị mất tích, với tinh thần phải tranh thủ từng phút, từng giờ, chạy đua với thời gian và mưa bão. Nếu thời tiết tiếp tục mưa lớn trở lại, công tác cứu hộ cứu nạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Trong đêm 14/10, ban chỉ huy tiền phương quyết định đẩy nhanh công tác cứu nạn, huy động gần 1.000 chiến sĩ công binh tinh nhuệ có kinh nghiệm đào đường, cứu nạn, cùng các phương tiện máy móc hiện đại. Chó nghiệp vụ, hệ thống truyền hình ảnh trực tiếp về ban chỉ huy, trực thăng... cũng đã được tăng cường. 

Trước đó, ngày 14/10, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân do sạt lở đất tại trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và thủy điện Rào Trăng 3. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay lực lượng, phương tiện để tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn bị mất liên lạc với tinh thần quyết liệt nhất, tiếp cận nhanh nhất, ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất theo phương án của Ban Chỉ đạo tiền phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhằm giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và lực lượng cứu nạn.

Bộ đội Quân khu 4 tiến hành tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Ảnh: VGP

Cùng ngày 14/10, Bộ trưởng Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo: Các lực lượng tham gia khẩn trương thực hiện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn với quyết tâm cao nhất, không quản ngại khó khăn về thời tiết, ngày đêm, tranh thủ từng giờ, từng phút, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Tập trung, huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để hoàn thành công tác tìm kiếm trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, Bộ Quốc phòng lập cầu hàng không, bảo đảm trinh sát, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men kịp thời chi viện cán bộ, nhân dân các khu vực bị cô lập, chia cắt và mất liên lạc. Tổ chức thực hiện tốt nhất công tác chính sách đối với các đối tượng. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng biểu dương các lực lượng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Tình hình mưa lũ còn nhiều phức tạp

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với với bão số 7.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 14/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 tàu/115.607 người biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện chỉ còn 330 tàu/700 người chủ yếu hoạt động ven bờ Quảng Ninh. Sáng 14/10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết yêu cầu các tàu này di chuyển về bờ để đảm bảo an toàn.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo, đến sáng 14/10, các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức cấm biển từ ngày 13/10.

Các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An lên phương án sơ tán hơn 150.000 dân trước khi bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa 10.824 hộ/46.760 người nằm trong phạm vi cách bờ biển 200m; tỉnh Nghệ An 12.341 hộ/102.112 người; tỉnh Nam Định 1.100 người, tỉnh Thái Bình 3.019 người; tỉnh Ninh Bình 412 người). Thành phố Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm đảo Cát Hải đến nơi an toàn.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 150-250 mm, có nơi trên 300 mm; Hà Tĩnh và các nơi khác ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 50-100 mm. Sau khi bão số 7 vừa tan, ở khu vực miền Trung Philippines đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới mới. Dự báo đến 13 giờ ngày 15/10, vị trí trung tâm ATNĐ ở khoảng 13,3 độ vĩ Bắc; 119,0 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 550 km về phía Đông Đông Bắc. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Bình luận