Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng

(VOH) – Sáng 18/11, Tổng bí thư, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì cuộc họp của thường trực Ban chỉ đạo.

Cuộc họp thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Kết quả chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 đến nay.

Kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực;

Tình hình, kết quả thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Dự kiến chiều nay, Ban Nội chính Trung ương (cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo) sẽ làm việc với các cơ quan báo chí để thông tin về kết quả cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo tháng 8/2022 do Tổng bí thư chủ trì đã nêu rõ trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước).

Nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo là tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm.