Ông nhấn mạnh rằng giáo dục Việt Nam phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thời đại và không thể đứng ngoài xu thế chung của thế giới.
Tổng Bí thư đánh giá cao những thành tựu của ngành giáo dục trong những năm qua nhưng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế. Ông cho rằng đổi mới giáo dục đã kéo dài hàng chục năm nhưng chưa tạo được bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, giáo dục đại học tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Hệ thống đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên vẫn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về chuyên môn, chưa tích cực đổi mới và còn có những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Ngân sách dành cho giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới, trong khi xã hội hóa nguồn lực vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều khu vực đông dân cư, khu công nghiệp và miền núi vẫn đang thiếu trường, thiếu lớp trầm trọng.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục:
Thứ nhất, phải hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên phát triển toàn cầu.
Thứ hai, cần xóa hoàn toàn nạn mù chữ và phổ cập tri thức số. Các vùng sâu, vùng xa và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số cần được chú trọng, triển khai phong trào "bình dân học vụ số" để nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho toàn dân.
Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu. Việc nghiên cứu cơ chế điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ là hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ thêm về những thách thức mà ngành giáo dục toàn cầu đang đối mặt, như sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các phương pháp giảng dạy hiện đại. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng vai trò của nhà giáo không thể thay thế, và các nhà giáo cần coi thách thức là cơ hội để phát triển, vượt qua giới hạn của bản thân.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ niềm tin vào truyền thống hiếu học của dân tộc và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Ông khẳng định, với sự chung sức của toàn xã hội, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn và thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục, đưa giáo dục trở thành động lực phát triển quan trọng của đất nước.