Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111: Tư vấn và hỗ trợ can thiệp cho hơn 28.200 trường hợp

(VOH) - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, hoạt động đến nay được hơn một năm, trên cơ sở nâng cấp Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ trẻ em Việt Nam Child Helpline 18001567 (năm 2004).

Quá trình hoạt động đến nay hơn 14 năm kể từ khi có vị trí pháp luật, pháp lý vững chắc trong Luật Trẻ em (năm 2016) và trong Nghị định 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về Luật Trẻ em.

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, Tổng đài 111 đã tư vấn trên 27.400 trường hợp. Tổng số trường hợp hỗ trợ can thiệp cho trẻ em là hơn 800 trường hợp. Trong đó, Bạo lực trẻ em khoảng 350 trường hợp; Xâm hại tình dục trẻ em là 250 trường hợp; Bóc lột trẻ em: 46 trường hợp; Liên quan đến pháp luật (làm giấy khai sinh, tranh chấp quyền nuôi con): là 98 trường hợp và các nhóm khác như mua bán trẻ em, chính sách cho trẻ khuyết tật, liên quan đến nhà trường là 55 trường hợp. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động. Đây là sản phẩm dịch vụ công của Chính phủ với mục đích phục vụ bảo vệ trẻ em.

Xung quanh nội dung này, Phóng viên VOH có phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em.

Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh: baodansinh

*VOH: Thưa ông! Kể từ lúc Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 đi vào hoạt động cho đến nay đã đạt được những kết quả ra sao?

- Ông Đặng Hoa Nam: Tôi phải nói ngay rằng là tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì số điện thoại 111 mới được công bố trong vòng hơn một năm trở lại đây, nhưng thực chất đây là một đường dây nóng về Tư vấn hỗ trợ trẻ em đã hoạt động từ năm 2004. Như vậy đường dây nóng bảo vệ trẻ em đã có quá trình hoạt động khoảng hơn 14 năm rồi. Và từ khi có được vị trí pháp luật, vị trí pháp lý rất vững chắc trong Luật trẻ em, trong Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thì Tổng đài đã được nâng cấp và đã được mở rộng tầm hoạt động, cũng như được quảng bá một cách rộng rãi hơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, số cuộc gọi của người dân và trẻ em đến số điện thoại 111 đã tăng lên rất nhiều. Điều này phản ánh nhận thức của xã hội về việc lên tiếng tố cáo, tố giác tất cả những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đã được nâng cao.

* VOH: Cơ quan chức năng có tìm hiểu, đánh giá về những nguyên nhân có thể cản trở, hạn chế các em, các bậc phụ huynh hay người dân tiếp cận và sử dụng Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 thời gian qua?

- Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, để người dân có thể biết đến nhiều hơn về Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 thì từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Cục Trẻ em phải chủ động có những kế hoạch để quảng bá số điện thoại này. Tuy nhiên thì chúng tôi phải khẳng định là để một dịch vụ hoặc một thương hiệu được nhiều người dân biết đến thì đây là một quá trình rất tốn kém. Vì vậy, chúng tôi muốn có sự tham gia nhiều hơn từ phía xã hội, từ phía các doanh nghiệp để cùng hợp tác với chúng tôi nhiều hơn trong việc quảng bá số điện thoại này.

Chúng tôi cho rằng nếu chúng ta hợp tác tốt trong việc quảng bá Tổng đài điện thoại 111 bảo vệ trẻ em thì có nghĩa là các doanh nghiệp đã thể hiện thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm xã hội của mình đối với xã hội nói chung và đối với trẻ em nói riêng. Chúng tôi mong muốn áp dụng kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia khác và các doanh nghiệp đã từng làm đối với việc quảng bá cho Tổng đài 111, ví dụ như số 111 xuất hiện trên các bao bì, các sản phẩm trong các hoạt động dịch vụ của các doanh nghiệp… từ đó sẽ làm tăng niềm tin và sự ưa thích từ phía người tiêu dùng.

* VOH: Theo ông thì chúng ta cần thực hiện những biện pháp nào để đẩy mạnh hiệu quả của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111?

- Ông Đặng Hoa Nam: Có rất nhiều việc phải làm để Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 trở thành một dịch vụ được người dân biết đến nhiều hơn, được trẻ em sử dụng một cách thân thiện hơn. Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đang cố gắng bằng mọi cách đẩy mạnh Tổng đài này bởi vì đặc trưng của Tổng đài này là hoạt động 24/7, tất cả các ngày trong tuần, thậm chí là kể cả tối 30 Tết Nguyên đán hoặc là đêm Noel quý vị đều có thể sử dụng Tổng đài này, số điện thoại này để thông báo, tố cáo, tố giác và nhờ sự trợ giúp khi quý vị quan tâm đến vấn đề về trẻ em. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ là làm sao cho an toàn, thân thiện và liên tục. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục Trẻ em.

Còn về phía các đơn vị sự nghiệp, ví dụ như trường học, bệnh viện và về phía các doanh nghiệp thì chúng tôi cũng kêu gọi cùng có những hợp tác với chúng tôi để quảng bá số điện thoại Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 càng nhiều càng tốt. Đây là một số điện thoại mà chúng tôi xin được nhắc lại là vị trí pháp lý của số điện thoại 111 là Chính phủ thiết lập, là Chính phủ chỉ đạo điều hành, giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Cục Trẻ em chỉ đạo điều hành dịch vụ này. Vì vậy, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 rất được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực bảo vệ trẻ em nói chung, và đối với hoạt động của Tổng đài nói riêng. Và tôi xin được nhấn mạnh: Đây là một dịch vụ công của Chính phủ cung cấp cho trẻ em và cho người dân, và đây là món quà rất đặc biệt dành cho công tác bảo vệ trẻ em.

* VOH: Bên cạnh Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111 thì Bộ ngành chức năng, địa phương cần triển khai thêm những chương trình, giải pháp nào để tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được tốt hơn?

- Ông Đặng Hoa Nam: Tôi nghĩ rằng, riêng về lĩnh vực bảo vệ trẻ em, chúng tôi kêu gọi các địa phương phải thực hiện ngay sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em. Ví dụ: Chúng ta phải đầu tư nguồn lực để truyền thông giáo dục các kỹ năng bảo vệ trẻ em cho các bậc cha mẹ, cho giáo viên và cho chính con em của mình. Vấn đề thứ hai là phải bố trí nguồn nhân lực. Trong Luật trẻ em và trong ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ là lập tức thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân ở cấp xã phải bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em, tiếp nhận tất cả các thông tin và xử lý tất cả các thông tin cũng như kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em ở các xã phường. Như vậy thì ở các tỉnh/thành phố là phải làm ngay. Thủ tướng nói làm ngay nhưng cho đến bây giờ chúng tôi vẫn thấy việc triển khai này ở một số địa phương vẫn rất chậm trễ. Vấn đề thứ ba nữa là chúng ta phải tăng cường tất cả các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Dịch vụ bảo vệ trẻ em thì phải có rất nhiều các dịch vụ về tư vấn tham vấn cho trẻ em.

Và đặc biệt là sự chỉ đạo để kết nối tất cả các dịch vụ này, kết nối giữa các cơ quan Tư pháp với các cơ quan quản lý nhà nước, với các tổ chức xã hội để làm sao chúng ta có một hệ thống bảo vệ trẻ em, một mạng lưới bảo vệ trẻ em để hoạt động đồng bộ. Và chúng tôi nhấn mạnh: Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, mà trách nhiệm của các tổ chức xã hội, của giới truyền thông cũng cần tham gia tích cực hơn vào công tác bảo vệ trẻ em, cung cấp những kiến thức, những kỹ năng về bảo vệ trẻ em. Và một trong những việc làm thiết thực nhất mà các bạn có thể làm là các bạn hãy quảng bá số điện thoại Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111.

*VOH: Cảm ơn ông!

Bình luận