TPHCM: Cảnh báo triều cường kết hợp mưa lớn gây nguy cơ ngập sâu

VOH - Trong những ngày qua, triều cường kết hợp với mưa lớn gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường của TPHCM, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Cơ quan chức năng liên tục phát đi các cảnh báo và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp để hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, tình hình thời tiết tại TPHCM đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố phức tạp, trong đó có rãnh áp thấp xích đạo và nhiễu động gió đông trên cao. Những yếu tố này kết hợp khiến mưa lớn kéo dài và triều cường dâng cao.

Cơ quan khí tượng dự báo, đỉnh triều cao nhất sẽ xuất hiện vào các ngày 18 và 19/10, với mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai dự kiến đạt mức 1,7-1,8m, vượt báo động 3 từ 0,1-0,2m. 

tphcm-ngap-3-7955-103257
Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, trạm Phú An, Nhà Bè và Thủ Dầu Một đều ghi nhận mực nước ở mức cao kỷ lục. Đây là một trong những đợt triều cường lớn nhất trong năm, làm gia tăng nguy cơ ngập úng ở nhiều vùng trũng thấp và ven sông.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự và Phòng chống thiên tai TPHCM đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương như TP Thủ Đức, quận 7, quận 12, huyện Nhà Bè, Củ Chi... chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư để ứng phó với tình hình ngập lụt. Lực lượng chức năng cũng được yêu cầu gia cố bờ bao, kiểm tra các cống thoát nước và sẵn sàng xử lý kịp thời để ngăn chặn tình trạng bể, tràn bờ bao gây ngập sâu.

Tại tỉnh Đồng Nai, mực nước trên hệ thống sông Đồng Nai cũng đang ở mức cao, dự kiến đỉnh triều sẽ đạt mức báo động 3 từ nay đến ngày 20/10. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phát đi cảnh báo nguy cơ ngập úng và lũ lụt trên diện rộng, đặc biệt là ở các khu vực trũng thấp và ven sông.

Người dân, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản tại các huyện Tân Phú, Định Quán, vùng hạ lưu sông Đồng Nai và các vùng lân cận, được khuyến cáo cần chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với mưa lớn và lũ.

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển lồng bè vào khu vực an toàn. Các hộ dân cũng được khuyến cáo thu hoạch sớm và giảm mật độ nuôi để tránh thiệt hại.

Bình luận