TPHCM: Cấp cứu 115 – đội quân thầm lặng trong mùa dịch!

(VOH) - Trong mùa dịch Covid – 19, hệ thống cấp cứu 115 của Thành phố vừa phải thực hiện song song hai nhiệm vụ cấp cứu thường quy và vận chuyển các trường hợp nghi nhiễm.

Cao điểm, khi người Việt, du học sinh quay về Việt Nam, có những ngày khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, hỗ trợ cùng hệ thống các trung tâm y tế, những ngày ấy, Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố hoạt động hầu như quá công suất, đội ngũ nhân viên y tế làm việc quên cả bản thân, chuyện ăn trễ bữa hay về nhà đến tận khuya là chuyện thường tình. 

Nghe bài viết: 

Trung tâm cấp cứu 115 của TPHCM thực hiện tốt công tác cấp cứu vận chuyển trong mua dịch

Nhiệm vụ của Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố là vận chuyển tất cả những ca nhiễm và nghi nhiễm từ sân bay Tân Sơn Nhất, từ các chốt kiểm dịch về các khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế, và đặc biệt là người dân trong cộng đồng khi có triệu chứng dịch tễ thì gọi 115. Trong khi đó, nhiệm vụ thường quy vẫn phải đảm nhận hỗ trợ vận chuyển cấp cứu cho người dân Thành phố khi gặp bệnh tật, tai nạn vẫn phải đảm bảo. Hầu như trong mùa Covid – 19, lịch sinh hoạt ngày thường của anh em công tác tại đây đều đảo lộn, những bữa ăn vội khi nhận lệnh xuất xe gấp, hay khi về đến nhà quá nửa đêm âu cũng thường tình. Nằm trong ê kíp điều hành đội ngũ tài xế trực tiếp ra hiện trường, ông Phạm Quốc Việt, Đội trưởng Đội xe Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, tư tưởng của anh em cũng vững vàng, đã xác định nhiệm vụ vì trước đó đã được Ban Giám đốc quán triệt tinh thần, được trang bị bảo hộ đầy đủ nên tâm lý cũng không lo lắng. Ở đây đội xe 22 người, chia ra 4 nhóm, mỗi nhóm 1 ngày, trực 24 giờ, đi theo thứ tự xoay vòng. Vận chuyển đêm ngày có đủ, xa gần đều có hết và lẽ đương nhiên, cường độ làm việc tăng cao hơn ngày thường rất lớn, không vì thế mà nản lòng: "Thực tế có những ca đi từ sân bay về tới Cần Giờ mất 6, 7 tiếng đồng hồ. Mới ngày đầu đi xe như thế không quen vì mặc đồ bảo hộ không được ăn uống gì hết. Đi vài lần như vậy thì sau này có cuộc họp và chuẩn bị hậu cần trước, khi nhận lệnh thì anh em phải ăn trước khi đi vì quãng đường di chuyển quá xa và cũng không thể dừng lại mua đồ ăn được. Mình phải có sự chuẩn bị chu đáo trước"

Tài xế Võ Lâm Khôi Nguyên, Trung tâm Cấp cứu 115 – người trực tiếp tham gia vận chuyển các trường hợp nghi nhiễm trong mùa dịch kể, trong mùa dịch, mọi chuyện sinh hoạt ăn uống hay sinh hoạt cá nhân luôn đảo lộn. Chuyện chạy xe 11, 12 giờ đêm là chuyện bình thường. Khó khăn trong mùa dịch thì nhiều, bởi vì thực tế đi từ sân bay về khu cách lay hay về đến Bệnh viện Cần Giờ, ngồi trên xe suốt 5-6 tiếng đồng hồ trên xe là chuyện rất đỗi bình thường vì khi đi như thế thì không được dừng dọc đường, không ăn uống. Trước khi đảm nhận công việc này, lo lắng là điều không tránh khỏi tuy nhiên, lúc vừa có dịch, anh em được họp nhiều lần, triển khai tập huấn nhất là cách mặc đồ, xử lý khử khuẩn xe. Được tập huấn, chuẩn bị trước, khi có dịch mình làm tốt hơn. Tài xế Võ Lâm Khôi Nguyên chia sẻ: "Nói chung mặc đồ bảo hộ thì rất nóng. Về tâm lý mình cũng không lo lắng lắm vì Trung tâm tập huấn rất kỹ, mình cứ làm theo vấn đề khử khuẩn, bảo hộ đầy đủ. Trên xe phải chú ý đặc biệt các vị trí như tay nắm cửa, tay cầm bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc thì phải phun xịt thật kỹ".

Ở tổng đài cấp cứu, bình thường mỗi ngày trực tổng đài, trung tâm ghi nhận tiếp khoảng 500 cuộc gọi, từ khi có dịch tăng lên, người dân gọi đến hỏi kiến thức về Covid-19. Áp lực công việc lớn, lãnh đạo đã tăng quân số, có thời điểm 8 tổng đài viên, trước chỉ khoảng 4. Có những cuộc gọi thách đố, không hợp tác, khai dịch tễ không rõ ràng. Nếu xử lý không khéo có thể lây lan ra cộng đồng. Anh em cũng đã không nản lòng mà rất từ tốn, nhẫn nại để vận động, thuyết phục người gọi chịu khó chia sẻ chi tiết hoặc hợp tác tốt để trung tâm đến hiện trường thu thập, ghi nhận tình hình thực tế đồng thời trấn an tâm lý người gọi không được hoang mang.

Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bạn Lê Bá Phước Nguyên đã gắn bó với Trung tâm Cấp cứu 115 hơn 1 năm qua. Tham gia hiện trường cấp cứu bất kể ngày đêm, là người trẻ, năng động nên bản thân Phước Nguyên cảm thấy công việc như một niềm vui, như sở thích vốn có của mình: "Mỗi công việc đều có đặc thù, như bên mình khi đi cấp cứu phải tiếp xúc môi trường bên ngoài nhiều, có những tình huống nhạy cảm như có đánh nhau hay gì thì phải phối hợp với các đơn vị khác để bảo đảm an toàn cho mình và những người xung quanh. Mùa dịch số ca tăng lên nhiều, có những tour đi không nghỉ luôn".

Ở vai trò quản lý, Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố tâm sự, cuối tháng 12 năm ngoái, khi có những thông tin về dịch Covid-19 Trung tâm đã chủ động xây dựng 1 kế hoạch ứng phó dù lúc đó bệnh này còn chưa rõ ràng lắm. Rồi thực tế xảy ra, có những ngày cao điểm trung tâm phải thực hiện 7 đến 8 lượt vận chuyển người nghi nhiễm về các khu cách ly tập trung, rất vất vả. Dù vậy, cán bộ nhân viên ở đây luôn quán triệt tinh thần, công việc của mình là đóng góp “thầm lặng trong thầm lặng, khó khăn trong khó khăn”. Thương nhất ở chỗ, từ lúc xuất xe đến lúc xe về, anh em đều phải mặc xuyên suốt bộ đồ bảo hộ, tuyệt đối không được cởi ra dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào nên sự tập luyện, chịu đựng là rất lớn: "Anh em tại đây phải biết tập, khi mặc đồ bảo hộ vô là không được ăn uống hay vệ sinh hay bất kể chuyện gì cũng không được cởi ra. Nên phải tập chịu đựng. Khi tiếp nhận bệnh nhân tới đó lọc bệnh lần nữa rồi đưa bệnh nhân lên xe, tới bệnh viện giao bệnh nhân và về vệ sinh xe khử khuẩn rồi theo dõi các anh em trên xe nếu ca đó dương tính".

Thật đúng như lời Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh chia sẻ, anh em công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 của Thành phố đã nỗ lực cống hiến, đóng góp trong tâm thế thầm lặng hy sinh. Có thể nói, dù đồng lương và phụ cấp cũng còn thấp nhưng ý thức vai trò, nhiệm vụ của mình không đơn thuần là chỉ chăm sóc sức khỏe người dân trong trạng thái cấp cứu mà còn hơn thế nữa đội ngũ anh em công tác tại đây đã nỗ lực hết mình với những chuyến xe trong mùa Covid-19 thật nhanh, thật chu toàn và đảm bảo tuyệt đối vấn đề phòng ngừa lây nhiễm. Đóng góp cho thành công trong cuộc chiến với Covid-19 nói chung, chúng ta không thể quên vai trò rất lớn từ Trung tâm Cấp cứu 115 của Thành phố.