Chờ...

TPHCM: Chăm sóc người có công luôn được đặt lên hàng đầu

(VOH) - Tháng 7 - tháng tri ân, tưởng nhớ và đền ơn đáp nghĩa các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, các gia đình chính sách, những người có công với đất nước.

Năm nay, kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, Thành ủy và Ủy ban nhân dân TPHCM đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa để chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, đồng thời tri ân đối với các thương bệnh binh, người có công với cách mạng, để gia đình chính sách, những người có công với đất nước luôn cảm thấy ấm lòng.

VOH có cuộc phỏng vấn với ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM về nội dung này.

Lê Văn Thinh
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM.

*VOH: Thưa ông, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sĩ, lãnh đạo TPHCM đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có việc tổ chức lễ viếng tại nghĩa trang huyện Côn Đảo, ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa các hoạt động này?

- Ông Lê Văn Thinh: Việc tổ chức Lễ viếng dâng hương Nghĩa trang liệt sĩ huyện Côn Đảo là một trong những hoạt động thiết thực giữa TPHCM với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tổ chức các hoạt động thiết thực, trang trọng, thành kính, có những ý nghĩa giáo dục sâu sắc, thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân: thăm hỏi, tặng quà cho các cựu tù chính trị, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, thắp nến tri ân.

Tôi luôn có niềm tin rằng với truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà trực tiếp là ở huyện Côn Đảo - địa chỉ đỏ của Cách mạng Việt Nam sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nêu cao trách nhiệm, phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

*VOH: Qua 75 năm thực hiện chính sách người có công với đất nước, đặc biệt là sau 17 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công, ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác này tại TPHCM đã tác động như thế nào tới cuộc sống của các gia đình chính sách trên địa bàn?

- Ông Lê Văn Thinh: Về chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc. TPHCM hiện có trên 277.000 gia đình có công, trong đó có gần 39.000 người đang thụ hưởng các trợ cấp hàng tháng. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao, đặc biệt là đối với những nơi có mức chi vùng cao như TPHCM.

Để hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công, giảm bớt các khó khăn, ngoài việc thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cũng đã tham mưu, đề xuất với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhiều chính sách để hỗ trợ thêm cho các đối tượng từ nguồn ngân sách địa phương. Cụ thể như việc hỗ trợ thêm hai triệu đồng mỗi tháng cho mẹ Việt Nam anh hùng, chế độ hỗ trợ đối với người có công cách mạng và thân nhân của các gia đình có công trên địa bàn TPHCM như hỗ trợ thương binh, bệnh binh có thương tật và một số hoàn cảnh khác hai triệu đồng/người một tháng. Đồng thời cũng hỗ trợ thêm các kinh phí để trợ giúp những dụng cụ chỉnh hình. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chủ động trong việc chăm lo cho Viện chính sách. Các quận, huyện, phường, xã đều xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ngày càng nhiều mô hình, sáng kiến hay được triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Qua đó, đời sống của các thương, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng cũng được cải thiện và được nâng lên.

Sau 17 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, nhờ sự quan tâm tiếp xúc thường xuyên, liên tục của Đảng bộ và nhân dân thành phố, đời sống gia đình của các gia đình người có công không ngừng được cải thiện và nâng lên. Đến nay đã có 100% các phường, xã, thị trấn, thành phố làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, phấn đấu thực hiện tốt công tác đảm bảo mức sống của người được hưởng chính sách có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

*VOH: Hiện cả nước còn 53 vạn liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó còn 22 vạn liệt sĩ vẫn nằm lại chiến trường năm xưa. Có thể nói công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin nếu không làm nhanh sẽ ngày càng khó khăn. Vậy thực tế công tác này tại TPHCM đang được triển khai ra sao?

- Ông Lê Văn Thinh: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là trách nhiệm to lớn của ngành. Qua đó, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh thành phố, các sở, ngành có liên quan để tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị, các Quyết định 237, Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thành phố cũng như địa bàn các tỉnh giáp ranh TPHCM. Qua đó có thể giúp thu thập, kết nối thông tin, kết luận địa bàn, chủ động xây dựng các kế hoạch để khảo sát và hoàn thiện bản đồ quy tập hài cốt liệt sĩ, nhằm trả lại tên cho liệt sĩ thiếu thông tin và chưa biết thông tin.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM còn phối hợp với Bưu điện thành phố chụp ảnh bia mộ liệt sĩ tại 7 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn địa bàn thành phố để làm dữ liệu điện tử, phối hợp với các cơ quan để thực hiện lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm các thân nhân liệt sĩ để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ngoài ra, bằng các phương pháp thực chứng như kết nối thông tin của hồ sơ liệt sĩ với các đơn vị quân đội, các cựu chiến binh và đồng đội cũ biết rõ các trường hợp hy sinh mà nuôi hy sinh của các liệt sĩ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cũng đã và đang thực hiện xác minh, đính chính thông tin các mẫu liệt sĩ còn thiếu thông tin hoặc sai lệch thông tin.

*VOH: Để nâng cao chất lượng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" thì ngành Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông Lê Văn Thinh: Để phong trào đền ơn đáp nghĩa trở thành hoạt động thường xuyên, đi sâu vào trong tiềm thức của các thế hệ, trong thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương và đơn vị đẩy mạnh các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn” và công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để góp phần cải thiện đời sống cho người có công, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; không để xảy ra tình trạng hồ sơ đủ điều kiện mà không giải quyết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho người có công cách mạng nhất là các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh,… thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng đã chịu nhiều mất mát hy sinh để đem lại hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc.

*VOH: Cảm ơn ông!