TPHCM: chủ động các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika 

(VOH) - Ngày 29/11, Ban Văn hóa  - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM tiếp tục có các buổi giám về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn TP tại các Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ. Trước đó, Đoàn cũng đã có các buổi giám sát tại Quận 2, quận Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Chánh...

Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa – Xã Hội – Hội đồng nhân dân TP làm việc với BV Nhi Đồng 1 về virus Zika.

Diệt muỗi, dọn dẹp ao tù nước đọng

Tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có 79 người bị nhiễm virut Zika và trên 16.000 ca mắc sốt xuất huyết. Hơn bao giờ hết, diệt muỗi và diệt lăng quăng là việc làm cần thiết nhất để phòng chống bệnh này lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc diệt trừ muỗi và đang coi nhẹ vấn đề này.

Tại các địa địa phương mà đoàn giám sát của Hội Đồng nhân dân đến kiểm tra cho thấy, mặc dù các đoàn thể như hội phụ nữ, tổ dân phố cũng tuyên truyền cho người dân không để nước đọng trong các lu, hũ, bình chậu trữ nước, chứa phế thải, tích cực diệt loăng quăng. Tuy nhiên ý thức của nhiều người vẫn còn kém: Chậu nước, thau nước, nhiều khi làm xong rồi không dọn, đây là mầm mống sinh ra muỗi rồi gây lên dịch bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến nay đã điều trị cho hơn 7.500 ca SXH, trong đó có 7 ca tử vong.  Bác sỹ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sở dĩ những tuần vừa qua mặc dù lượng mưa đã giảm hẳn nhưng số ca mắc bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết vẫn tăng là do trứng muỗi có thể tồn tại trong môi trường hơi ẩm một chút từ 3 đến 4 tháng, vì vậy chỉ cần mưa xuống, nước đầy lên nó sẽ nở thành muỗi.

"Cái gốc là phải làm sao diệt luôn trứng muỗi, nghĩa là môi trường phải sạch, độ ẩm không có, những cái gì ứ đọng lại là phải dẹp ngay”, Bác sĩ Khanh nói.

Bệnh nhân bị SXH tại khoa cấp cứu BV Nhi Đồng 1

Ổ chứa vi rút Zika và thời kỳ lây truyền của bệnh hiện nay chưa rõ. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người  mà do muỗi mang vi rút Zika đốt truyền vi rút sang người lành. Có đến 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện lâm sàng. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Như vậy vi rút Zika lây truyền từ người sang người chủ yếu qua loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi làm ảnh hưởng không nhỏ đến thai phụ.

Tuy nhiên, bác sỹ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ khuyên các thai phụ khi có phát hiện nhiễm vi rút Zika thì không cần phải lo lắng nhiều, làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, có thể dẫn đến nguy cơ gây ra những bệnh khác. Bệnh đầu nhỏ chỉ là một dị tật trong nhiều bệnh có thể phát sinh trong quá trình mang thai. Bằng chứng là thai phụ mà chúng ta phát hiện khi nhiễm vi rút Zika vào tuần thai thứ 28 đã sinh con bình thường. Vì vậy, nhằm ngăn ngừa bệnh cần các giải pháp diệt trừ muỗi, tuyên truyền người dân phòng chống muỗi đốt, tầm soát các ca Zika.

“Tất cả các bác sĩ trong quá trình khám thì phải tư vấn những vấn đề có liên quan. Nếu có những dấu hiệu như sốt phát ban, viêm kết mạc, chảy máu mũi, viêm đau khớp...chị em đến các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn”, Bác sỹ Trần Ngọc Hải cho biết thêm.

Ban Giám đốc BV Nhi đồng 1 báo cáo tình hình dịch bệnh tại BV.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trong đợt giám sát của Hội đồng Nhân dân TP, Tân Phú là quận có hàng trăm công trình lớn nhỏ đang thi công dang dở, nhiều bãi đất đất trống, hệ thống cống rãnh không có thông thoát, gây ứ đọng nước sinh hoạt, nước mưa. Ông Phạm Văn Đảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Tân Phú cho biết, ngành y tế quận đã phối hợp với các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc, khu phố và chính những cán bộ thôn, xóm. Tuy nhiên việc tuyên truyền diệt lăng quăng gặp nhiều khó khăn.

Tại quận Bình Thạnh, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận cho biết, Bình Thạnh là  địa bàn ghi nhận nhiều ca bệnh Zika nhất của TP. Vì vậy quận đã chủ động tổ chức diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi ở các phường. Tuy nhiên, khi triển khai phun hoá chất diệt muỗi, vẫn còn một số hộ dân thiếu hợp tác, nhiều hộ chỉ cho phun bên ngoài sân. “Quận tuyên truyền và nhắc nhở người dân phải thực hiện cho tốt. Nhắc nhở nhiều lần rồi nếu không chuyển biến thì mới dùng biện pháp xử phạt”, bà Nga nói.

Qua các buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã Hội – Hội đồng nhân dân TP đã nhấn mạnh, việc phòng chống dịch bệnh Zika là làm sao thay đổi được nhận thức và hành vi của người dân, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không cho muỗi có nơi để phát triển. Địa phương cũng cần nâng cao vai trò trong việc phối hợp với các chủ đầu tư, tận dụng các mặt bằng, bãi cỏ để thực hiện các hoạt động, công trình khác, xóa đi các điểm tù đọng có thể là nơi sinh sản của muỗi. Bà Thi Thị Tuyết Nhung cũng đánh giá cao về công tác tầm soát bệnh do vi rút Zika tại các bệnh viện.

Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn không để sốt xuất huyết và Zika bùng phát. Để đạt hiệu quả trong công tác phòng chống, ngoài việc phun thuốc diệt muỗi, không cho trứng muỗi phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, thì việc người dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, tích cực hợp tác với ngành y tế trong phòng chống sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika là cần thiết trong lúc này.