TPHCM đảm bảo quỹ nhà, đất tái định cư cho các dự án trọng điểm

(VOH) - Đối với các hộ dân này, khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, về nguyên tắc, Thành phố phải đảm bảo quỹ nhà ở tái định cư, bao gồm hai dạng: nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Quỹ đất dành cho các dự án tái định cư; việc cấp phép xây dựng dự án khu dân cư cho gia đình quân nhân; vấn đề xử lý mùi hôi của bãi rác Đa Phước; tiến độ giải ngân vốn cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng… là các vấn đề được báo chí quan tâm đặt ra tại buổi họp báo trưa 3/7 tại UBND Thành phố.

Chánh văn phòng UBND Thành phố - Võ Văn Hoan chủ trì họp báo trưa 3/7

Chánh văn phòng UBND Thành phố - Võ Văn Hoan chủ trì họp báo trưa 3/7.

Công tác tái định cư sẽ được xử lý toàn diện

Sở Xây dựng Thành phố thống kê đang quản lý dư gần 14.000 căn hộ và nền đất phục vụ cho quỹ tái định cư. Thành phố quyết định giữ lại 8.240 căn nền đất và bán hơn 5.000 căn, nhưng hiện tại Thành phố đang thực hiện chỉnh trang đô thị, trong đó có 61 dự án ven kênh rạch, có gần 22 hộ dân vị ảnh hưởng.

Các dự án này đã được tính đến hay chưa là vấn đề báo chí đặt ra.

Về vấn đề này, ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố cho biết, Sở Xây dựng Thành phố đã có tờ trình UBND Thành phố ngày 6/6/2018 về kế hoạch phát triển và sử dụng quản lý nhà ở đất ở phục vụ tái định cư, các dự án chỉnh trang đô thị và công ích trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, công tác tái định cư sẽ được xử lý toàn diện. Thành phố đảm bảo quỹ nhà ở, đất ở phục vụ các dự án trọng điểm của Thành phố, các dự án chỉnh trang phát triển đô thị trong đó, có các dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Hiện có 61 dự án và 21.850 hộ bị ảnh hưởng.

Đối với các hộ dân này, khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, về nguyên tắc, Thành phố phải đảm bảo quỹ nhà ở tái định cư, bao gồm hai dạng: nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

“Qua khảo sát sơ bộ, khoảng 2/3 không có chủ quyền và giấy tờ nhà ở hợp pháp. Do đó, đối với các hộ dân này, về nguyên tắc, Thành phố phải đảm bảo cho các hộ dân này có nơi ở mới khang trang và tốt hơn nơi ở cũ.

Hiện tại Thành phố cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị quỹ nhà ở xã hội phục vụ cho các hộ dân không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại. Nhà ở xã hội có nhiều hình thức: thuê, thuê mua phù hợp với các hoàn cảnh của các hộ dân đang sống trên và ven kênh rạch, họ vốn không đảm bảo quyền sử dụng đất hợp pháp”- ông Kiên cho biết.

Chánh văn phòng UBND Thành phố Võ Văn Hoan cũng khẳng định, để chỉnh trang phát triển đô thị, Thành phố đã có định hướng đầu tư tái định cư, căn bản đảm bảo đủ không phải chỉ cho một dự án cụ thể mà có thể cho một số dự án trên địa bàn.

Cân đối các quỹ nhà tái định cư, một phần ở địa phương phải chủ động xem xét, bố trí, nhưng một phần là có sự xem xét của Thành phố, tức là cân đối giữa các dự án, quỹ nhà khác nhau để chúng ta sử dụng một cách hợp lý, khoa học và hiệu quả.

Sở Xây dựng Thành phố chưa cấp phép xây dựng dự án khu dân cư gia đình quân nhân

Làm rõ hơn thông tin liên quan đến việc cấp phép xây dựng dự án khu dân cư gia đình quân nhân 367 và sư đoàn 370 thuộc Quân chủng phòng không không quân mà báo chí nêu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Trần Kiên khẳng định, dự án này Sở Xây dựng Thành phố hiện chưa cấp phép xây dựng và cấp phép bán nhà hình thành trong tương lai.

Theo ông Kiên, quy mô dự án này gần 6 hecta, với mục tiêu là khu dân cư gia đình quân nhân, hiện UBND Thành phố đã công nhận chủ đầu tư vào tháng 11/2015 và đã được UBND Thành phố chấp thuận đầu tư vào tháng 2/2017.

Ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố làm rõ vấn đề nhà ở tái định cư và cấp phép xây dựng cho gia đình quân nhân

Ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố làm rõ vấn đề nhà ở tái định cư và cấp phép xây dựng cho gia đình quân nhân.

Liên quan đến việc xử lý mùi hôi của bãi rác Đa Phước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Nguyễn Toàn Thắng thông tin, trên địa bàn TP.HCM, chất thải rắn sinh hoạt bình quân khoảng 8.900 tấn/ngày, có bốn đơn vị được giao xử lý khoảng 2.500 tấn rác. Riêng khu Đa Phước do công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh là khoảng 5.000 tấn rác/ngày.

Hiện ngành tài nguyên môi trường có hệ thống quan trắc, biết trước được bãi nào có mùi hôi nên có hướng xử lý ngay, từ đây đến 2020, Thành phố sẽ giảm chôn lấp còn 50%, qua đó mùi hôi sẽ giảm.

“Chúng tôi đã triển khai cho đơn vị xử lý và áp dụng 10 giải pháp. Hiện bãi chôn lấp được thiết kế khoảng 24 triệu tấn rác, công suất là 13 triệu tấn, độ cao khoảng 27 mét nên khi có hướng gió thì có mùi.

Chúng tôi đã xử lý ngay đề nghị đơn vị chôn lấp tăng cường xịt hóa chất sử dụng cho việc chôn lấp; bố trí các điểm tiếp nhận rải ra để phù hợp điều kiện hướng gió hiện nay” – ông Thắng nói.

Đối với tiến độ giải ngân vốn chậm dẫn đến tạm dừng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam - nhà đầu tư dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu”, ông Võ Văn Hoan khẳng định, đến giờ này, công tác giải ngân vốn gần như đáp ứng nhu cầu của chủ đầu tư.

Theo ông Hoan, do cần kiểm tra, rà soát đánh giá tính trung thực của dự án nên thủ tục thanh toán có phần khó khăn, công tác thẩm định chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Bình luận