TPHCM đặt tên đường Võ Trần Chí cho tuyến huyết mạch nối miền Tây

(VOH) - Sáng nay 22/5, tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh đã diễn ra lễ đặt tên đường Võ Trần Chí, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.

Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, bà Huỳnh Thị Thơ, phu nhân của đồng chí Võ Trần Chí và đông đảo nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Long An. 

Tuyến đường được đặt tên Võ Trần Chí là tuyến đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, đoạn từ nút giao Tân Tạo (quận Bình Tân) đến nút giao Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Tổng chiều dài là 9,6 km, trong đó đoạn qua quận Bình Tân dài 4,5 km và qua huyện Bình Chánh dài 5,1 km.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang ôn lại quá trình hoạt động cách mạng và những dấu ấn của nguyên Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí

Tuyến đường được thiết kế là đường cấp 1 đồng bằng, vận tốc thiết kế là 80 km/h, qui mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, chiều rộng mặt đường là 22,2 m, tổng kinh phí là 793 tỷ đồng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức đặt tên đường cho tuyến huyết mạch nối TPHCM với miền Tây

Lễ đặt tên đường mang tên đồng chí Võ Trần Chí đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (22/5/1927 – 22/5/2017) cho con đường quan trọng, huyết mạch, kết nối TPHCM với miền Tây và đặc biệt là quê hương Long An của đồng chí nhằm tỏ lòng biết ơn, ghi nhận công lao của đồng chí Võ Trần Chí với chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác. 

Tuyến đường mang tên đồng chí Võ Trần Chí

Tại buổi lễ, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang điểm lại quá trình hoạt động, công tác của đồng chí Võ Trần Chí. Đồng chí Võ Trần Chí (tên thường gọi là Võ Văn Tạo, Võ Thanh, Võ Thanh Quang) sinh ngày 22/5/1927 tại Thủ Thừa, Long An, tham gia cách mạng từ nhỏ, trải qua nhiều chức vụ quan trọng, trong đó từ 1991 - 1996 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Với hơn 66 năm hoạt động cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, đồng chí đã trọn đời vì dân, vì Đảng, cống hiến toàn bộ sức lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó đặc biệt đồng chí đã góp phần xứng đáng vào tiến trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và được mệnh danh là “người của đổi mới”. Tiêu biểu là các quyết định táo bạo như chủ trương nhập vàng bằng đường hàng không để ngăn chặn nạn tư thương độc chiếm và gây nhiễu thị trường, bảo vệ sự tồn tại của hợp tác xã mua bán (tiền thân của Saigon Coop), thành lập Khu chế xuất đầu tiên tại nước ta (Khu chế xuất Tân Thuận), xây dựng đường Nam Nhà Bè – Bắc Bình Chánh mở hướng phát triển về phía Nam, hình thành và phát triển khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đặt nền móng cho sự phát triển đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước…

Bình luận