TPHCM: Đề nghị cho xe buýt đi vào làn xe máy giờ cao điểm

(VOH) - Một biện pháp giảm kinh phí trợ giá cho xe buýt được đưa ra là nên cho xe buýt đi vào làn xe 2 bánh vào giờ cao điểm hay kẹt xe để... xe buýt hoạt động đúng giờ.

Theo ông Lê Hoàng Minh, PGĐ Sở Giao thông Vận tải, để giảm trợ giá cho xe buýt, việc thu hút người dân đến với phương tiện vận tải hành khách công cộng là đương nhiên nhưng với các lộ trình khác nhau. Ngoài việc đầu tư nâng cấp phương tiện, cải thiện thái độ nhân viên phục vụ, cũng cần thí điểm phân luồng ưu tiên cho xe buýt.

“Giải pháp trước mắt, cần tạo cho xe buýt có sự ưu tiên hơn các xe khác, được ưu tiên đi vào các làn đường. Hiện nay, xe buýt chỉ được phép đi vào 2 làn phân cho ô tô.

Vào giờ cao điểm hay kẹt xe nên cho xe buýt đi vào làn xe 2 bánh. Tôi thấy, nếu cho xe buýt đi vào làn xe 2 bánh thì họ sẽ đi được. Tức là, mình tạo cho xe buýt đi đến đúng giờ để từ đó kéo hành khách lên xe” – ông Minh chia sẻ.

Thành phố đang "đau đầu" tìm cách thu hút người dân đi xe buýt (Ảnh: Lan Hương)

Theo Sở Giao thông Vận tải, chỉ tiêu dự toán thu chi ngân sách năm 2016 với kinh phí trợ giá được giao 1.150 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu thời điểm lập tự toán giảm nên mức dự toán kinh phí trợ giá xe buýt cũng giảm còn 1.017 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kinh phí trợ giá trên các tuyến xe buýt phổ thông và đưa rước học sinh, sinh viên đều tăng từ 14-15% so với năm 2015, nhưng khối lượng vận tải hành khách công cộng thực hiện tính tới tháng 10 chỉ ước đạt 456 triệu lượt hành khách, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại buổi làm việc sáng nay 27/10 với Sở Giao thông Vận tải về khảo sát tình hình trợ giá xe buýt năm 2016 và kế hoạch năm 2016, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND thành phố cho biết, dự báo ngân sách đầu tư của thành phố trong năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn (từ 23% xuống còn 18%).

Vấn đề chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản sẽ là một bài toán được cân đối kỹ lưỡng. Chính vì vậy, HĐND thành phố yêu cầu Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan phải tập trung quyết liệt nhiều giải pháp để kéo hành khách sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, giảm gánh nặng ngân sách đối với việc trợ giá xe buýt.

Phó tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính Thành phố, thành viên đoàn khảo sát, bà Phạm Thị Hồng Hà cũng cho rằng, cần xem xét lại quy hoạch luồng tuyến để bố trí lộ trình phù hợp, thuận lợi hơn cho người sử dụng, tránh chồng chéo. Hiện nay, một số tuyến rất lãng phí do có quá ít người đi trong khi đó, chi phí nhiên liệu và tiền lương đã chiếm trên 73% kinh phí trợ giá.

Bà Hà cũng đặt câu hỏi về việc lựa chọn một số đơn vị được tham gia vào loại hình trợ giá, có yêu cầu gì không đối với các doanh nghiệp trong quản lý và vận hành để đạt hiệu quả nhất, tiết giảm chi phí và minh bạch nhất?

“Hiện nay chúng ta đang đặt vấn đề trợ giá nhưng nguồn tiền thì có mực, có hạn chứ không thể đáp ứng đầy đủ hết, nên phải làm sao để nguồn vốn trợ giá được hiệu quả nhất. Ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước một mặt ta đưa ra nhiều giải pháp rồi, nhưng một mặt bản thân đơn vị tham gia này cũng phải có trách nhiệm” – bà Hà thể hiện lo lắng.

Kết luận buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách - HĐND TPHCM cho rằng, năm 2017 phải giảm ngân sách đối với hoạt động trợ giá xe buýt. Hiện tại, tỷ lệ trợ giá/chi phí cho xe buýt tương đối cao với tỷ lệ 41%. Chính vì vậy, ngoài các giải pháp được các đại biểu đã nêu, ông Dũng cũng nói thêm, việc trợ giá và việc lôi kéo người dân đi xe buýt là giải pháp cần phải đẩy mạnh và tập trung quyết liệt. Bên cạnh đó, phải kiếm thêm nguồn đầu tư khác thông qua chuyện thu từ quảng cáo, bến bãi từ bên ngoài, để tăng thêm nguồn thu, đầu tư vào cho công việc trợ giá.