TPHCM định hướng áp dụng công nghệ thông tin thông minh để quản lý đất đai

(VOH) - TPHCM được giao nắm giữ hơn 200 ngàn ha đất đai của cả nước. Giá đất đai trên địa bàn cao nhất cả nước.

“Trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn và thực tế từ người dân…Thành phố sẽ xây dựng phương hướng sử dụng đất đai phù hợp thực tế, phát huy giá trị, phát triển bền vững nguồn tài nguyên đất” – đây là mục tiêu của hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra vào sáng nay 22/11.

đất đai TPHCM

Toàn cảnh hội nghị 

TPHCM được giao nắm giữ hơn 200 ngàn ha đất đai của cả nước. Trong đó, hơn 100 ngàn ha là đất nông nghiệp, phần còn lại là đất phi nông nghiệp, trên 160 ngàn ha đang được sử dụng, gần 50 ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng, còn khoảng 900 ha đất chưa sử dụng.

Giá đất đai trên địa bàn TPHCM cao nhất cả nước. Điều này cho thấy mật độ kinh tế của thành phố rất cao, là một lợi thế và cũng là một thách thức về địa kinh tế trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, quản lý đất đai nói chung của cả nước cũng như tại TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức cần vượt qua.

Trước hết, đó là sự thiếu đồng bộ pháp luật giữa pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan đang gây ách tắc cho quá trình quản lý các dự án đầu tư phát triển; Việc thực hiện các công cụ hành chính trong quản lý đất đai chưa dựa trên một hệ thống điện tử; Công cụ quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với các loại quy hoạch khác. Một trong những yếu tố cơ bản nhất của vốn hóa đất đai là tạo nguồn thu Nguồn thu từ đất chưa trở thành nguồn thu chính cho ngân sách thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nhận định: “Tất cả cơ chế vốn hóa đất đai đã được đề cập trong pháp luật về đất đai ở nước ta nhưng còn thiếu cụ thể, không chi tiết, không đồng bộ nên tạo ra điểm nóng trên công luận. Cũng vì vậy, vốn hóa đất đai chưa được đánh giá là thành công, nguồn lực đất đai chưa tạo được thế mạnh trong đầu tư phát triển. Trong tương lai gần, nguồn thu từ thương mại dịch vụ sẽ bị thu hẹp, do yêu cầu thực hiện thương mại tự do. Nếu không tìm cách tăng hợp lý nguồn thu từ đất thì không thể tạo được nguồn lực tài chính công đủ cho nhu cầu phát triển bền vững”.

Các đại biểu đã đề xuất như: Thành phố cần hoàn thiện hệ thống định giá đất, phân loại và cụ thể hóa các cơ chế thu giá trị đất công khi đưa vào thị trường, đổi cách hệ thống thuế và phí liên quan đến đất đai, nên để người dân tự kê khai và tự chịu trách nhiệm tài sản đất đai của mình…

Chia sẻ thêm kinh nghiệm trong thực hiện bồi thường đất đai, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Đối với vấn đề về bồi thường thì thành phố đang kiến nghị về cơ chế đặc thù. Chúng tôi hết sức hoan nghên khi thành phố có nghiên cứu để có giải pháp giải quyết các vướn mắc về thủ tục đất đai. Tuy nhiên, khi thực hiện việc rút ngắn các thủ tục trong quá trình thu hồi, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư thì quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của người dân”.

đất đai TPHCM

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND thành phố phát biểu chỉ đạo

Kết luận hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “Từ hội thảo này, chúng ta thấy các tham luận đặt ra rất nhiều vấn đề có liên quan đến công tác quản lý đất đai, chỉ ra được một số giải pháp cho thành phố để nghiên cứu, xem xét, vận dụng, tạo ra những cơ chế chính sách của riêng, phù hợp với quy định của pháp luật, phát huy giá trị đất đai của thành phố một cách tốt nhất. Từ đây, nếu biết được chỗ nào giá đất cao, chỗ nào nhà đầu tư mong muốn nhiều, chúng ta sẽ lên được một kịch bản để biết được rằng chúng ta nên bỏ tiền đầu tư ở đâu, nên kích thích phát triển chổ nào”.

Phó chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng, thành phố sẽ tiếp tục cùng các chuyên gia kiến nghị với Trung ương tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật về đất đai; Thành phố sẽ xây dựng quy hoạch sử dụng đất gắn với các quy hoạch chuyên ngành, có sự tích hợp, thống nhất, gắn với quy hoạch hạ tầng giao thông; Khẩn trương giải quyết các nút thắt để triển khai nhanh các dự án; Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thông minh trong quản lý đất đai… giúp thành phố quản lý đất đai chặt chẽ, đảm bảo công bằng và bình đẳng, phát huy giá trị của đất đai tạo động lực phát triển thành phố.

Bình luận