TPHCM được đề xuất áp dụng mô hình thị trưởng

(VOH) - Trong mô hình Thị trưởng, UBND TPHCM nên được đổi tên thành Toà thị chính, do Thị trưởng đứng đầu và có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc.

Đây là đề xuất của TS Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước đưa ra tại hội thảo Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị do Đại học Luật TP HCM tổ chức, sáng 14/12. 

Theo TS Hà, với mô hình này, UBND TP HCM nên được đổi tên thành Toà thị chính, do Thị trưởng đứng đầu. Chức năng chủ yếu của Toà Thị chính là quản lý địa phương, thi hành văn bản của HĐND, chịu trách nhiệm trước HĐND thông qua cơ chế bãi miễn. Thị trưởng cũng có trách nhiệm trong điều phối việc cung cấp dịch vụ công về giao thông, nhà ở, việc làm..

TPHCM được đề xuất áp dụng mô hình thị trưởng 1
Trụ sở UBND TPHCM

TS Hà cho rằng nếu theo đuổi mô hình này, lộ trình phải khá kỹ lưỡng như có cơ chế kiểm soát quyền lực trực tiếp thông qua dân bầu và bãi miễn.

ThS Nguyễn Thanh Quyên và ThS Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Khoa Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật TPHCM, dẫn chứng mô hình Thị trưởng được áp dụng ở nhiều đô thị lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)...

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Đại học Luật TPHCM cho rằng, một đô thị muốn vận hành, quản lý chỉn chu, đứng vững thì phải có thẩm quyền riêng, cần cơ chế phân quyền mạnh hơn cho TPHCM.

Với tham luận “Cần phân cấp mạnh hơn để Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng cán bộ, công chức toàn diện đủ sức vận hành chính quyền đô thị”, Tiến sĩ Diệp Văn Sơn - Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ phía Nam đã đề cập đến khả năng vận hành đô thị của cán bộ, công chức và đánh giá quá trình đào tạo còn nhiều thách thức.

Với tình hình đó, Tiến sĩ Sơn kiến nghị rằng việc sát hạch công chức cần có sự chặt chẽ, quá trình đào tạo công chức cần bài bản hơn, đảm bảo chi nguồn kinh phí cũng như phúc lợi của cán bộ, công chức.

Ông Hồ Thảo Hùng - Đại diện Hội Luật gia Quận 5 nhấn mạnh về vấn đề nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần có sự hài hòa tập thể và trách nhiệm rõ ràng. Trong vấn đề xã hội hóa, ông Hùng cho rằng cần có tiêu chí, định khung cụ thể trong giai đoạn xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử.  

TPHCM được đề xuất áp dụng mô hình thị trưởng 2
Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Đường. Ảnh: Thùy Linh

Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, những kiến nghị từ các chuyên gia có giá trị đóng góp thiết thực, là nền tảng giúp Thành phố Hồ Chí Minh có thêm định hướng phát triển xứng tầm với một siêu đô thị hàng đầu của Việt Nam.

Các ý kiến, kiến nghị của chuyên gia tại hội nghị sẽ được gửi đến Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM và các cơ quan liên quan. 

Tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 vào ngày 30/11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. 

Bộ Nội vụ đề nghị nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) như đang thực hiện ở thành phố Đà Nẵng và TP.HCM và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình “Tòa thị chính”, “Thị trưởng” ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở nước ta.

Bình luận