Ngày 30/6, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố, giải đáp những câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến các chính sách về lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp.
Các đại biểu giải đáp những câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Có hơn 100 doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại. Ngành chức năng đã giúp doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc: ký hợp đồng lao động đối với người nước ngoài trước tình hình diễn biến của dịch Covid-19, hướng dẫn về giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, an toàn lao động, giáo dục nghề nghiệp, quy định chăm lo, chế độ chính sách chăm lo cho người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động…
Tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Hương, Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn thắc mắc đến vấn đề giải quyết chính sách đối với lao động cao tuổi.
“Người lao động đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người này hay không? Và việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động này như thế nào?” - bà Lê Thị Thanh Hương nói.
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương – Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết: “Người lao động cao tuổi mà vẫn còn làm việc thì họ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, chúng ta cứ tiếp tục hợp đồng không xác định thời hạn chứ không chuyển sang hợp đồng 1 năm. Trường hợp người đã hưởng lương hưu rồi thì nếu ký hợp đồng lao động thì chúng ta trả cùng lúc với kỳ trả lương, cho họ phần tương ứng với phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Sau này, nếu chấm dứt hợp đồng lao động thì vẫn giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc”.
Về vấn đề đóng kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, cũng như việc đóng kinh phí công đoàn của các công đoàn viên, ông Hồ Xuân Lâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố giải thích: “Đối với những đơn vị không có tổ chức công đoàn thì vẫn trích nộp 2% kinh phí công đoàn trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động cho người lao động tại doanh nghiệp. Nơi nào chưa có tổ chức công đoàn thì 2% này vẫn trích ra và gởi lại cho tổ chức công đoàn của địa phương giữ lại để tổ chức hoạt động cho người lao động tại nơi đó. Còn ai là đoàn viên công đoàn thì sẽ nộp 1% đoàn phí để chứng tỏ mình là đoàn viên của tổ chức công đoàn.”
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi.
Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố là một kênh giao tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện tương tác tốt hơn với cơ quan chức năng và cũng để cơ quan chức năng kịp thời có những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố nhận định: “Sau dịch Covid-19 thì đây là lần gặp khá đông, câu hỏi sâu, có trọng tâm và đi vào từng vấn đề cụ thể, hiệu quả của mỗi lần gặp cộng đồng doanh nghiệp có nhiều tiến bộ. Vào cuối năm ngoái, khi tiếp xúc doanh nghiệp, hồ sơ trực tuyến đối với ngành lao động thương binh xã hội là gần 20% nhưng đến bây giờ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lên đến 48%. Chúng tôi cũng đang triển khai nhiều biện pháp theo chỉ đạo của UBND Thành phố về cải cách thủ tục hành chính, để tạo các bước tiện lợi, gọn cho doanh nghiệp khi tương tác với cơ quan chức năng của thành phố.”
Bên cạnh tổ chức đối thoại trực tiếp, thời gian tới, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố sẽ khai thác những ứng dụng của công nghệ số, tạo thêm diễn đàn tương tác cho doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với cơ quan quản lý…
Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố cho biết: “Ngay từ tháng 3 năm nay, chúng tôi đã chỉ đạo cho các phòng ban trung tâm tổ chức kết nối trực tuyến, thông qua các mạng xã hội xây dựng các group lên đến hàng ngàn doanh nghiệp, trong các thành viên đó, bao gồm cả tham tán thương mại trong nước và nước ngoài, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra nhưng việc kết nối này rất sôi động, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc kết nối thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin như thế này.”
Thông qua buổi đối thoại, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nên đẩy mạnh việc thực hiện hồ sơ trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giải quyết hồ sơ cũng nhanh hơn, Sở đã vận hành tốt App làm hồ sơ trực tuyến giúp doanh nghiệp tiện theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, qua đây, các doanh nghiệp sẽ biết hồ sơ của mình đang ở đâu, ai thụ lý.