TPHCM: Khách sạn, nhà trọ, bệnh viện phải thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID

(VOH) - Tất cả cơ sở lưu trú trên địa bàn TPHCM như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh… phải thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID.

UBND TPHCM lưu ý các sở, ngành, địa phương không được yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính theo luật Cư trú và Nghị định 104. Tất cả cơ sở lưu trú trên địa bàn TPHCM như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh… phải thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID.

VNeID
Khách sạn, nhà trọ, bệnh viện tại TPHCM phải thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID

Công an TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Lao động Thương binh Xã hội thực hiện kế hoạch kiểm tra, khảo sát việc thực hiện phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú thay thế sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.

Đọc thêm: Thí điểm tích hợp GPLX trên VneID

Các cơ quan, tổ chức không được yêu cầu xác nhận chứng minh nhân dân 9 số khi giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức. Các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp thông tin bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Đồng thời, tăng cường việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện.

Việc thanh toán học phí, viện phí và chi trả trợ cấp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội từ nguồn ngân sách cần đẩy mạnh hình thức thanh toán không tiền mặt…

Theo Luật Cư trú 2020, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

Cụ thể:

1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.

4. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

5. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

Bình luận