TPHCM: Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trong doanh nghiệp

(VOH) - Với diễn phức tạp, khó lường và có thể kéo dài của dịch bệnh TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện công tác chuẩn bị tốt trước khi chuyển sang trại thái bình thường mới.

Thông tin về kế hoạch cho học sinh đi học trở lại, việc đánh giá mức độ rủi ro dịch bệnh trong các doanh nghiệp, chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cho mùa dịch; Phân phối khẩu trang trong trường học để phòng dịch COVID-19 cho học sinh, sinh viên. - Đây là những vấn đề được đề cập tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2020 của UBND TPHCM chiều 24/4.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thông tin sơ bộ về kế hoạch cho học sinh trở lại trường học. Theo ông Trung, nếu không có gì thay đổi thì tuần sau sẽ ban hành kế hoạch đón học sinh trở lại. “Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu tờ trình kế hoạch đón học sinh đi học lại với UBND TP, sau khi có ý kiến của UBND TP, Sở sẽ hoàn thiện kế hoạch để ban hành. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến ban hành tuần sau để các trường có cơ sở thực hiện.”

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có kế hoạch vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị tiếp nhận khẩu trang cho học sinh. Về chuyên môn, Sở đã có phương án thi, dạy và học trực tuyến để khi đi học lại, cùng với việc học trực tuyến, học qua truyền hình, học sinh sẽ đảm bảo kết thúc chương trình học kỳ 2 đúng tiến độ theo quy định.

Ngoài ra, liên quan đến việc đánh giá mức độ rủi ro của các doanh nghiệp theo Bộ tiêu chí, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, đối với các doanh nghiệp có trên quy mô 3.000 công nhân, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố, cùng với địa phương sẽ đánh giá mức độ rủi lo lây nhiễm trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp còn lại thì các quận huyện sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để đi đánh giá. Tính đến cuối ngày 24/4, có hơn 12.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện tự đánh giá. “Cụ thể các doanh nghiệp tự đánh giá, trong đó, mức độ rất ít rủi ro, tức là chỉ số rủi ro lây nhiễm dưới 10% là khoảng 60%; Mức độ lây nhiễm thấp, tức là chỉ số từ 10-30% là 38,3%. Đối với lây nhiễm trung bình, từ 30-50% là 1%. Và mức rủi ro lây nhiễm cao, tức từ 50-80% là 0,1% và mức rủi ro lây nhiễm rất cao từ 80-100% là không có doanh nghiệp nào”.

Về hoạt động của tiệm cắt tóc mà người dân rất quan tâm, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, cắt tóc là nhu cầu thiết yếu chứ không phải là hoạt động làm đẹp nên không bị cấm hoạt động, tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo cung ứng cho người dân thành phố khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm thiết yếu trong mùa dịch, ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố khẳng định, Thành phố đảm bảo đủ nhu cầu cho người dân ngay cả trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội, không có tình trạng thiếu hàng, găm hàng, lên giá. Hằng ngày lãnh đạo sở đều phân công cán bộ đi khảo sát ở các điểm phân phối để kịp thời bổ sung nguồn nhu yếu phẩm khi có nơi nào bị thiếu hụt. “Trong thời gian tới, khi xã hội giảm cách ly, Sở Công thương sẽ chuẩn bị các nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, cũng như các mặt hàng cho mùa dịch như: khẩu trang vải kháng khuẩn, nước sát khuẩn. Thực hiện nghị quyết 02 của HĐND thành phố về việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Sở đã chuẩn bị 13 triệu khẩu trang cho học sinh và nước kháng khuẩn, đã có kế hoạch và thành phố đã phê duyệt”.

Sắp tới TPHCM đón tiếp khoảng 10.000 người Việt ở nước ngoài trở về. Trước mắt vào ngày 27/4 tới đây, TPHCM sẽ đón 300 du học sinh từ Hoa Kỳ trở về nước. TPHCM cũng sẽ tiến hành đưa các trường hợp này về khu cách ly tập trung, hạn chế tối đa việc cách ly tại nơi cư trú.

Trước đó, chiều cùng ngày, tại buổi họp trực tuyến về tình hình kinh tế văn hóa xã hội quý 1 năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội quý 2 năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu: “Tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch”. Theo ông, từ quý 2 năm nay, dịch bệnh sẽ thể hiện rõ tác động mạnh đến kinh tế thành phố. Tỷ lệ dịch vụ giảm mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố. Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị, cần tổ chức hậu kiểm công tác phòng chống dịch và chỉ số đánh giá tính rủi ro trong doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai 7 chỉ số an toàn gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, nhất là bộ chỉ số an toàn trong trường học.

“Phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch. Tiếp tục triển khai các biện pháp kịp thời, quyết liệt, linh hoạt phù hợp trong từng giai đoạn diễn biến dịch bệnh Covid-19. Đề nghị các đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng, tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng. và kiên định với 6 nguyên tắc chống dịch, phương châm 5 tại chỗ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung rà soát, bổ sung giải pháp các kịch bản đã xây dựng nhất là việc chuyển trạng thái dịch bệnh sang giai đoạn mới”. - ông Nguyễn Thành Phong nói.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, quý I năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức tăng trưởng của các khu vực, các ngành kinh tế đều thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Khu vực thương mại dịch vụ chịu tác động nhiều nhất, mức tăng của khu vực này gần 99%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng với 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm gần 13%; giáo dục và đào tạo giảm gần 27%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm gần 3%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm gần 32%.

COVID-19: Vì sao đã âm tính còn dương tính trở lại? - Với những trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính trở lại, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng ...
Chỉ thị 19: Nhiều loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động trở lại - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình ...