Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung Nam.
Ngày 14/10/2014, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đoàn cán bộ thành phố làm việc tại tỉnh Bình Thuận về “Tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2005- 2014 và ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015- 2020”.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và tỉnh Bình Thuận (2005 - 2014), về mặt kinh tế - xã hội, hai địa phương đạt được những thành tựu nhất định trên tất cả các lĩnh vực. Từ khi bản cam kết hợp tác được ký kết vào năm 2006 đến nay, đã có hơn 140 dự án của thành phố đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn gần 20.000 tỷ đồng (trong đó có 54 dự án đang hoạt động, 26 dự án đang triển khai, 60 dự án đang thực hiện).
Các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn chủ yếu tập trung khai thác thế mạnh của tỉnh về lĩnh vực dịch vụ du lịch (89 dự án, chiếm tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng), còn lại là thương mại và công nghiệp, nông nghiệp… chính nhờ môi trường đầu tư thông thoáng, ưu đãi, hỗ trợ về chính sách của tỉnh đã thu hút và giữ chân doanh nghiệp đã làm thay đổi bộ mặt của tỉnh. Bà Nguyễn Thị Tranh, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết: "Ngoài những chính sách ưu đãi, mời gọi đầu tư, tỉnh Bình Thuận có một điều rất đặc biệt mà các tỉnh khác không có được, đó là hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư trong công tác đền bù giải tỏa, sát cánh cùng nhà đầu tư".
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy đánh giá cao những nỗ lực mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua và cho rằng “trong điều kiện khó khăn chung, nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng khá nhanh, tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đầu người cũng tăng thêm, công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh phát triển đúng định hướng… điều này cho thấy tỉnh nhà có nhiều tiềm năng thế mạnh, đồng thời thể hiện sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh không chỉ về kinh tế mà trên tất cả các lĩnh vực khác”. "Kết quả chúng ta đạt được là sự tích cực, ý nghĩa đối với đời sống nhân dân giữa hai địa phương, nhưng kết quả đó vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Bình Thuận. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc hợp tác sắp tới đây không chỉ là sự ký kết giữa các cấp lãnh đạo hai địa phương mà các sở ngành cần phải bàn bạc và đưa ra kế hoạch cụ thể để thực hiện", ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Ký thỏa thuận hợp tác giữa hai địa phương giai đoạn 2015- 2020. Ảnh: Trung Nam.
Rút ra những bài học kinh nghiệm từ nhiều năm trước, tỉnh cũng đã xác định được những mặt hạn chế và đang từng bước khắc phục, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi đầu tư. Ông Huỳnh Văn Tý, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, phát biểu: "Cảm ơn Đảng bộ, nhân dân thành phố và các doanh nghiệp thành phố trong thời gian vừa qua đã có sự quan tâm tích cực đến tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vươn lên, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa. Tỉnh Bình Thuận xin mời gọi và sẵn sàng ưu đãi cho các nhà đầu tư vào tỉnh".
Với những định hướng mới, dựa trên tiềm năng và nguồn lực giữa hai bên, giai đoạn 2015- 2020, 7 lĩnh vực chủ yếu được ký kết, đồng thời tỉnh Bình Thuận cũng tạo cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, tạo tiền đề cho các ngành, các doanh nghiệp hai địa phương hợp tác…