TPHCM lo hụt vốn vì điều tiết 30% thu từ đất về trung ương

VOH - Tại phiên thảo luận sáng 26/5 về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về việc thay đổi tỉ lệ phân chia ngân sách giữa trung ương và địa phương.

Đặc biệt là quy định điều tiết 30% nguồn thu từ đất về ngân sách trung ương, thay vì để lại 100% cho địa phương như hiện nay.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM – cho rằng quy định hiện hành chưa tạo đủ không gian cho các địa phương, nhất là những đô thị đặc biệt như TPHCM, chủ động trong điều hành tài chính – ngân sách và đầu tư công. Việc áp trần nợ vay theo tỉ lệ phần trăm thu ngân sách được hưởng (80% và 120%) chưa phản ánh đúng năng lực huy động vốn của các địa phương lớn.

Nguyen Thi Le - 30%
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - Ảnh: Quochoi.vn

Theo bà Lệ, Quốc hội cần xem xét bổ sung thêm các tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm, khả năng huy động vốn... để xác định trần vay phù hợp hơn. Bà cũng kiến nghị luật hóa rõ ràng cơ chế cho phép địa phương được bội chi trong trường hợp đầu tư các dự án trọng điểm có sức lan tỏa vùng.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng với nhiều dự án lớn đang triển khai như đường sắt đô thị, nhu cầu vốn của TPHCM là rất lớn. Trong khi đó, nếu chỉ được giữ lại 70% nguồn thu từ đất, thành phố sẽ hụt thu khoảng 33.000 tỉ đồng mỗi năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch đầu tư công, đặc biệt là những công trình có ý nghĩa liên kết vùng như đường kết nối Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu hay các cây cầu vượt sông.

Ông Ngân đề xuất nâng mức trần dư nợ vay của ngân sách địa phương từ 120% lên 150% hoặc 200% tùy theo khả năng tài chính. Bên cạnh đó, nên giữ nguyên mức địa phương được hưởng 100% thu từ đất trong ít nhất 10 năm tới, hoặc nếu điều tiết thì chỉ nên ở mức 5–10%.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và phối hợp với Chính phủ rà soát, trình Quốc hội tỉ lệ phân chia ngân sách phù hợp, đảm bảo cân đối lâu dài sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực từ năm 2026.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị luật cần cho phép địa phương sử dụng nguồn vượt thu, kết dư ngân sách để đầu tư hạ tầng dữ liệu, chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng xanh. Bà cũng đề xuất cho phép địa phương được thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách như Quỹ chuyển đổi số, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ đầu tư hạ tầng đô thị… theo nguyên tắc tự chủ và minh bạch.

Ngoài ra, HĐND cấp tỉnh cần được trao quyền quyết định tỉ lệ phân chia nội bộ ngân sách giữa các cấp, chuyển nguồn, phân bổ vốn cho các chương trình đột phá và xử lý tình huống phát sinh.

Việc này sẽ tạo điều kiện để các địa phương chủ động và linh hoạt hơn trong điều hành tài chính, nhất là khi thực hiện các dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

 
Bình luận