TPHCM luôn là địa phương đầu tiên lên đường cứu trợ miền Trung

(VOH) – Ngay sau khi vừa có những thống kê sơ bộ về thiệt hại của các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đoàn lãnh đạo TPHCM đã ra thăm và tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại.

Trong chuyến công tác của đoàn lãnh đạo TPHCM do bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy ra cứu trợ đồng bào tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đoàn đã nhận được nhiều tình cảm tri ân của người dân hai tỉnh miền Trung.

Sau những cái bắt tay thân tình, lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế cảm động phát biểu: “TPHCM là địa phương đầu tiên đến thăm chúng tôi ngay sau cơn bão vừa đến gây những thiệt hại to lớn cho đồng bào nơi đây. Tình cảm của nhân dân TPHCM, chúng tôi luôn khắc ghi trong lòng”.

Bà Thân Thị Thư thăm gia đình nạn nhân tử vong trong cơn bão

Đoàn đã đến thăm những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão, như gia đình cụ bà Nguyễn Thị Tu ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gia đình ông Nguyễn Triệu Chân.

Tại gia đình của chị Phạm Thị Loan, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy đã ân cần thăm hỏi và chia sẻ nỗi đau của gia đình chị Loan. Chị Phạm Thị Loan bị mất tích khi chiếc xuồng bị lật. Lúc đó chị đang cùng với người anh trai đánh bắt cá ven bờ trong đêm 13/10, thì cơn bão thình lình ập đến. Chị để lại đứa con gái tuổi còn nhỏ.

Chia sẻ với những nỗi đau mất mát của đồng bào miền Trung, TPHCM đã trao tặng tỉnh Quảng Trị 2 tỉ đồng và tỉnh Thừa Thiên Huế 1,5 tỉ đồng để giúp nhân dân 2 tỉnh ổn định đời sống và phục hồi sản xuất.

TPHCM hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 2 tỉ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Trận mưa bão vừa qua, khiến cho các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ phải hứng chịu nhiều thiệt hại, không chỉ mất trắng hàng trăm héc ta lúa và hoa màu, mà hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm trong biển nước. Cùng với đó, hệ thống đê điều của khu vực miền Trung cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Ghi nhận tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống giao thông và bờ kè bị sạt lở hàng cây số.

Một người dân ngụ tại thị xã Hương Trà cho biết: “Bờ kè hiện tại bị sạt lở nghiêm trọng… đến gần sát một ngôi chùa. Giờ không có đường đi, bị tắc nghẽn. Sợ nhất là khi mấy em học sinh đi học về, đoạn bờ sông chỉ cần sơ hở là té trượt ngã”.

Trên toàn tình Thừa Thiên Huế, cơn bão đêm 13 rạng sáng 14/10 đã làm 3 người chết. Trong đó có trường hợp ông Nguyễn Triệu Chân, 54 tuổi, làm nghề thợ xây ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị gió bão gây tử vong khi đang cố gắng kéo tôn để tránh gây nguy hiểm cho người khác.

Em Nguyễn Thị Lài, con gái út của ông Chân kể: “Thấy gió mạnh quá, tôn bay hết nên ba lên cầu thang kéo xuống, sợ tôn bay trúng người khác. Ba đi ra ngoài mép tôn, sau đó ba bị bổ xuống. Ba rớt xuống, ba chỉ thở một cái thôi”.

Bà Thân Thị Thư đến thăm gia đình bị tốc mái sau cơn bão

Sau trận thiên tai vừa ập đến, chính quyền của các tỉnh miền Trung đã nhanh chóng triển khai các giải pháp để phục hồi sản xuất cho nhân dân. Trong đó có các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo sâu sát từng địa bàn huyện, xã, thị trấn.

Tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ của thị xã cho biết về công tác khắc phục thiên tai: “Các đoàn thể về trực tiếp với bà con nhân dân, vận động kịp thời thu hoạch một số hoa màu. Những vùng đang khó khăn thì khắc phục sạt lở. Đời sống của bà con, nhất là ở những vùng trũng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên qua quá trình vận động thì bà con cũng đã từng bước ổn định lại đời sống và sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Xảo, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, bên ngôi nhà bị tốc mái.

Cảm kích trước tấm lòng của lãnh đạo và nhân dân TP.HCM luôn đồng hành và sẻ chia những khó khăn mất mát của đồng bào miền Trung ruột thịt, ông Võ Văn Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh Thừa Thiên Huế nói: “Tình cảm ấy một lần nữa khắc sâu tình cảm truyền thống của 3 địa phương Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong quá khứ, thời kháng chiến và đến nay, trong xây dựng hòa bình cũng vậy, luôn luôn chia sẻ và luôn luôn động viên kịp thời bà con chúng tôi, nhất là lúc khó khăn hoạn nạn”.

Trong khó khăn, gian khổ của đồng bào miền Trung luôn chịu nhiều thiên tai, bão lũ, TPHCM luôn là địa phương đầu tiên phát động sự quyên góp, ủng hộ trong các giới, các ngành để nhanh chóng cứu trợ đồng bào. Nghĩa cử ấy không chỉ làm ấm lòng nhân dân miền Trung trong những ngày lạnh giá, mà còn góp phần phát huy truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam, luôn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.