TPHCM nâng chất lượng quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường

(VOH) - Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TPHCM, về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với mục tiêu: Xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước… góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, thành phố đang từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường.

Trong định hướng phát triển, TPHCM tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao; phân vùng phát triển công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp tổn hại đến tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; di dời các cơ sở kinh doanh chất nổ, chất nguy hại ra ngoài khu dân cư…

Đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi nội ô thành phố. Ảnh: NLĐ.

Xóa bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu

Vật liệu xây dựng là ngành có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng là ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại rất lớn đến môi trường.

Cùng với định hướng của Chính phủ, TPHCM đã xây dựng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, với mục tiêu là hướng đến công nghệ sản xuất hiện đại, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Nhờ vậy mà từ năm 2011, thành phố đã chấm dứt hoạt động của các cơ sở sử dụng đất sét để sản xuất gạch ngói nung bằng lò thủ công; xóa bỏ các cơ sở sản xuất sử dụng đất sét làm gạch ngói nung.

Đến cuối năm nay 2015, thành phố sẽ xóa bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.

Và đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn tất phương án di dời các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng ra khỏi nội ô thành phố, chuyển đến những nơi có quy hoạch phù hợp, di dời các cơ sở vật liệu xây dựng khác vào các khu công nghiệp của thành phố…

“Thành phố đã có một chủ trương và một quyết tâm cao, các ngành liên quan đang tập trung phối hợp với nhau để có một chương trình đồng bộ. Bài toán thứ nhất là bảo vệ môi trường, bài toán thứ hai là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trước hết, là phương án dừng sản xuất gạch nung bằng thủ công, đồng thời giải quyết bài toán làm sao chuyển đổi nghề nghiệp”, ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho hay.

Di dời cơ sở gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ cao

Một thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường còn là một thành phố quy hoạch theo tiêu chí: an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. TP hiện có gần 700 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng cần di dời; 20.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư, trong đó, có gần 5.320 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là rất cấp thiết nhưng vô cùng khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân - Nguyễn Gia Thái Bình cho rằng: “Các cơ sở đa phần kinh doanh các ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao, ô nhiễm môi trường, một số cơ sở kết cấu xây dựng xuống cấp không có khả năng ngăn cháy, các lối thoát hiểm không đảm bảo.  Ngoài ra tình trạng cho thuê mặt bằng để sản xuất kinh doanh hoặc làm kho chứa hàng với thời gian ngắn bên thuê, bên cho thuê đùn đẩy trách nhiệm cho nhau dẫn đến ý thức phòng cháy chữa cháy tại chỗ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng còn hạn chế”.

Hiện Sở tài nguyên Môi trường thành phố đã thống nhất với Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp xác định 4 điểm đến cho các đơn vị di dời. Lộ trình di dời được chia thành 3 giai đoạn và sẽ bắt đầu từ năm 2017.

Theo đó, những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ di dời trước. Kế đến là những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không nghiêm trọng, nhưng không phù hợp quy hoạch. Cuối cùng là những cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch.

Thành phố cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất như: hỗ trợ 50-100% lãi vay các dự án đầu tư, chuyển giao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, đổi mới công nghệ sản xuất vật liệu (composit, vật liệu mới…), phát triển sản phẩm điện gia dụng, dây cáp điện, đèn compact…

Bên cạnh việc xây dựng các quy hoạch mang tính chất lâu dài, những chương trình hỗ trợ mang tính chiến lược, thành phố cũng xây dựng các mô hình đi vào thực tế, tác động trực tiếp đến ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Nhân rộng phân loại chất thải rắn tại nguồn

Mô hình “phân loại chất thải rắn tại nguồn” là một điển hình, mới chỉ bắt đầu từ 86 hộ gia đình ở phường Bến Nghé, quận 1, và đã được triển khai rộng khắp thành phố sau hơn một năm, mang lại hiệu quả thiết thực. Tự mỗi hộ gia đình sẽ có 2 thùng rác chứa chất thải rắn thực phẩm và chất thải rắn còn lại. Công nhân đến thu gom theo đúng giờ quy định và vận chuyển tới khu xử lý với quy trình khép kín. Mô hình không chỉ giúp việc xử lý rác hiệu quả mà còn là phương thức giáo dục ý thức không xả rác, bảo vệ môi trường từ trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Minh Lựu, ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1, cho biết: “Lúc đầu cũng chưa quen, nhưng sau đó cũng có 2 thùng sẵn rồi thì dạy cho mấy cháu. Hồi đầu rất phiền tại vì phải phân cái này cái kia, nhất là mấy đứa nhỏ, lúc đầu cứ cầm rác đi bỏ là hỏi bỏ cái nào ngoại, sau đó chỉ cho các cháu, dần thành thói quen nên thấy tiện hơn".

Phó chủ tịch UBND TPHCM – ông Nguyễn Hữu Tín khẳng định: đây là quá trình vận hành để hướng đến đô thị hiện đại, mỹ quan sạch đẹp, nếp sống văn minh trong tương lai, khó thực hiện nhưng cần được duy trì thực hiện lâu dài, thường xuyên để trở thành thói quen.

Vẫn còn không ít khó khăn để thực hiện quá trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa thành phố gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, xây dựng mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường vẫn là mục tiêu chính cần hướng tới để thành phố phát triển bền vững. Và mục tiêu ấy bắt đầu từ sự chung sức, chung lòng của nhiều phía: ý thức mỗi người dân, sự chung tay của doanh nghiệp và trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền địa phương./.