TPHCM phối hợp các tỉnh giáp ranh mạnh tay xử lý khai thác cát lậu

(VOH) - Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TPHCM xảy ra 45 vụ khai thác cát trái phép, mức độ ngày càng phức tạp.

Chiều ngày 3/11 Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng chủ trì cuộc họp với các tỉnh giáp ranh TPHCM về tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng chủ trì cuộc họp chiều 3/11

TPHCM có các sông lớn như Thị Vải giáp ranh với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và sông Sài Gòn giáp ranh với tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Các sông này và vùng biển Cần Giờ đều có trữ lượng cát san lấp, cát xây dựng khá lớn. Những năm gần đây, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát xây dựng, cát san lấp dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở những vùng giáp ranh này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan và an ninh khu vực.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, địa bàn tỉnh hiện có hai nơi khai thác khoáng sản rất tốt, nhiều doanh nghiệp muốn tham gia. Tuy nhiên, tỉnh hiện không cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác, kể cả vùng lân cận. Gần đây, Tây Ninh, Bình Dương giáp sông Sài Gòn, đoạn Hồ Dầu Tiếng có tình trạng đối tượng khai thác cát trái phép chạy qua chạy về từ Tây Ninh sang Hồ Dầu Tiếng. Hiện Bình Phước cấm, Bình Dương cũng đang cấm khai thác nên tình hình khai thác lậu lại Tây Ninh tăng lên.

“Tôi nghĩ rằng cần phối hợp giữa các địa phương mới có thể làm tốt những vụ chồng lấn địa bàn. Tuy nhiên, hiện khó khăn ở chỗ nguồn cát của Tây Ninh phục vụ cho Bình Dương, Bình Phước rất lớn, việc quản lý rất cần sự phối hợp chặt chẽ”, bà Hiếu đề nghị.

Trên địa bàn TPHCM có 5 dự án nạo vét luồng hàng hải được chấp thuận chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, tuy nhiên, hiện các dự án đã tạm ngừng thi công. Để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, cơ quan chức năng trên địa bàn TPHCM tuần tra, kiểm tra thường xuyên ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên sông, đặc biệt là khu vực giáp ranh giữa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Đông Tranh và vùng biển Cần Giờ.

Ông Võ Văn Hữu - Phó Trưởng Công an PC 49 cho rằng: “Luật hình sự có thể truy tố khai thác cát trái phép với định lượng tăng dần 500 triệu đồng, hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu, được nhưng rất khó. Nên kiến nghị Quốc hội sửa. Rõ ràng, tài nguyên khoáng sản cát là tài nguyên quốc gia, 100 triệu mới truy tố được là bất hợp lý”.

Đại diện Bộ đội Biên phòng TP thông tin về tình trạng khai thác cát lậu.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TPHCM xảy ra 45 vụ khai thác cát trái phép, mức độ ngày càng phức tạp. Trên vùng biển Cần Giờ, các đối tượng sử dụng phương tiện là các sà lan có tải trọng trên dưới 500 đến 1.000 tấn lắp đặt các thiết bị bơm hút trực tiếp lên sà lan và vận chuyển đi tiêu thụ.

Đối với các khu vực trên sông, các đối tượng sử dụng hai ghe đi cặp, một cái gắn thiết bị bơm hút, một cái vận chuyển nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Do đó, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Huỳnh Cách Mạng đề nghị mỗi địa phương thành lập tổ công tác, đường dây nóng, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh và thành phố. Trong quá trình kiểm tra địa phương, tổ chức kiểm tra toàn quyền xử lý.