Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM tăng cường kiểm tra kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội dịp Tết Nguyên đán

VOH - Sáng ngày 16/1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Các Đội QLTT đã thông báo về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội trong giai đoạn cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Phó Đội trưởng Đội QLTT 18, cho biết sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số đang tạo ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý thị trường.

 

Theo ông Hùng, phương thức hoạt động phổ biến của các đối tượng vi phạm là livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee hoặc qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok.

Điểm bán hàng thường không công khai địa chỉ kinh doanh, các giao dịch thường diễn ra qua inbox (nhắn tin riêng), khiến việc xác minh thông tin của người bán trở nên khó khăn.

online
Ảnh minh họa: Internet

Thêm vào đó, nhiều đối tượng còn sử dụng các chiêu thức tinh vi như thuê người quảng cáo, mua lượng người theo dõi và chốt đơn ảo để đánh lừa người tiêu dùng.

Các gian hàng trực tuyến này không có địa điểm kinh doanh cố định, mà hàng hóa thường được lưu giữ ở các chung cư cao tầng, và hình thức thanh toán chủ yếu là tiền mặt hoặc chuyển khoản, làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, ông Trương Văn Ba, đánh giá tình hình kinh doanh hàng hóa trên internet ngày càng phổ biến, song song với đó là các vi phạm ngày càng nhiều hơn.

Ông nhấn mạnh, trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các nền tảng số, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.

Cục Quản lý thị trường TPHCM khuyến cáo người dân khi mua sắm trực tuyến cần kiểm tra kỹ thông tin người bán, yêu cầu cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc sản phẩm và thông tin bảo hành, cảnh giác với các chiêu trò "sale off" hoặc "giảm giá sốc" không rõ ràng trên các trang mạng xã hội, nhằm tránh rủi ro mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bình luận