TPHCM: Tồn tại các dự án "treo", quy hoạch "treo" không phù hợp

(VOH) - Sáng nay (04/10), HĐND TPHCM khóa VIII khai mạc kỳ họp lần thứ 6 với chuyên đề “Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị”.
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM khóa VIII cho biết: Tại kỳ họp lần này, HĐND TP.HCM sẽ nghe các báo cáo về công tác quy hoạch gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025; Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp 2 khu trung tâm hiện hữu; Xem xét, đánh giá công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP.HCM; Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã có văn bản thuận địa điểm, có quyết định thu hồi, giao đất của UBND TPHCM.
HĐND TP.HCM cũng sẽ nghe và cho ý kiến báo cáo công tác giám sát việc thực hiện Nghị quyết 57 năm 2006 của HĐND TPHCM khóa VII (về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đào tạo giải quyết việc làm khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM).

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại kỳ họp lần thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII. Ảnh: PNO

Với những nội dung làm việc quan trọng của kỳ họp lần này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị:

Ngay sau phát biểu khai mạc kỳ họp lần thứ 6 HĐND TPHCM khóa VIII, ông Nguyễn Hữu Tín, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh:

Trong buổi sáng nay, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM báo cáo về Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000; Đánh giá công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP.HCM. Báo cáo cho biết đến nay TP.HCM có 83,02% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (trong đó có 56,19% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt đồ án), góp phần phục vụ công tác quản lý quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng. TP.HCM cũng nhìn nhận nhiều hạn chế, tồn tại về tiến độ và chất lượng đồ án. Trong đó, hạn chế lớn nhất nội dung các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 chưa đề xuất được hạng mục ưu tiên đầu tư, kế hoạch thực hiện (về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ đô thị, công viên cây xanh) cũng như chưa xác định được nguồn lực đầu tư…Từ đó, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch thường bị kéo dài, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch.

Về quản lý và sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, TP nhận định các dự án phát triển nhà ở đa số nhỏ, lẻ nên phát triển manh mún, thiếu hài hòa về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, chưa đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng “quy hoạch chạy theo dự án”, nguyên nhân chủ yếu vì trong thời kỳ phát triển thị trường bất động sản và vì mục tiêu tăng trưởng nên các nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch (chuyển chức năng khác thành chức năng nhà ở, tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất), tác động xấu đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch. Để khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000, UBND TP.HCM cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó đẩy mạnh công tác giám sát các dự án đầu tư theo quy định, tránh tình trạng “dự án treo”. Ngoài ra, đối với nhà ở riêng lẻ của người dân trong các khu vực được quy hoạch là công viên cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng, khu vực mở đường giao thông mới hoặc mở rộng đường giao thông theo lộ giới quy hoạch thì cần đảm bảo quyền lợi, hạn chế gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến đời sống sinh hoạt, đời sống cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch…

Tiếp đó, ông Đào Anh Kiệt- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo triển khai thực hiện các dự án đã có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, các dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất của UBND TP.HCM.

Về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 57 của HĐND TP.HCM khóa VII (về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đào tạo giải quyết việc làm khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM- gọi tắt là Nghị quyết 57), Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Trương Thị Ánh cho biết, tính đến tháng 04-2012, trên địa bàn thành phố có 1.427 hộ tạm cư phát sinh sau Nghị quyết 57 tại 24 dự án; trong đó có 16 dự án sử dụng vốn ngân sách với 774 hộ tạm cư (chiếm 54%) và 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với 653 hộ tạm cư (chiếm 46%). Bà Trương Thị Ánh cũng cho biết thêm, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, quận huyện và chủ đầu tư có kế hoạch sớm giải quyết dứt điểm các hộ tạm cư trên theo lộ trình từng giai đoạn cụ thể (cuối 2012, 2013 và chậm nhất là đến quý I-2014). Báo cáo của Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng chỉ rõ tồn tại, hạn chế là việc điều tra liên quan đến thu nhập, việc làm, đời sống của người dân có đất bị thu hồi nhằm giải quyết các nội dung về hậu di dời, tái định cư có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, do phân kỳ đầu tư và trên một địa phương nhưng áp dụng chính sách giá bồi thường không đồng nhất nên dẫn đến sự so bì, khiếu nại. Giá đất nông nghiệp thuần để tính bồi thường còn thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường nên gây bức xúc đối với người có đất bị thu hồi.

Trong phần tổng hợp các kiến nghị của cử tri TP.HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải cho rằng: qua nhiều năm lập đồ án và thực hiện quy hoạch, diện mạo thành phố đã thay da đổi thịt, trở nên khang trang hơn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đã và đang gây ra bức xúc cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo”, dự án “treo” trong nhiều năm qua. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM chỉ rõ: hiện vẫn tồn tại không ít quy hoạch đã lâu (10 năm hoặc hơn, thậm chí đến nay đã 20 năm) nhưng vẫn chưa thực hiện, như: quy hoạch ở khu phố 8, ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp, có diện tích hơn 40 ha, bị “treo” 14 năm; khu Bình Qưới- Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) “treo” 12 năm; dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) treo 14 năm...Hiện nay các khu vực này đang trong quá trình lựa chọn dự án nên không ai trả lời được câu hỏi của người dân ở đây và cả những nơi khác cũng có “quy hoạch treo” tương tự, là bao giờ quy hoạch được triển khai thực hiện? Bên cạnh đó, còn có tình trạng dự án treo chồng dự án treo, điển hình là tại địa bàn P.19 và P.22, cụ thể dự án xây dựng khu đô thị thanh niên Văn Thánh đã treo 20 năm chưa xóa nhưng đang bị dự án khu bờ tây sông Sài Gòn cũng bị treo chồng lên khiến người dân vô cùng bức xúc…Để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng: UBND TP.HCM cần rà soát lại tất cả đồ án quy hoạch đã lập trước đây trên địa bàn thành phố về nội dung và chất lượng, nhất là các đồ án quy hoạch được lập trong điều kiện chưa có luật, chưa có kinh nghiệm; quy hoạch nào không còn giá trị thực tế thì nhanh chóng điều chỉnh, trả lại chức năng ban đầu của nó. Về thực hiện các dự án đã được phê duyệt thì cho kiểm tra lại tiến độ thực hiện và sớm thực hiện quyết định giao đất hoặc thay đổi chủ đầu tư đối với những chủ đầu tư để quá lâu không thực hiện dự án hoặc không đủ năng lực thực hiện dự án; rà soát các quy định hiện hành không còn phù hợp, kiến nghị Trung ương tháo gỡ để giải tỏa bức cho người dân…