Chờ...

TPHCM tuyên truyền về luật phòng chống bạo lực gia đình

(VOH) - Sáng 22/3, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 gồm 6 chương, 56 điều (tăng 10 điều so với Luật 2007). 

Tại hội nghị, ThS. Luật Sư Đỗ Đăng Khoa (Hội Luật gia quận 7) cho biết, Điều 3, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 xác định, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tình dục, kinh tế với thành viên khác trong gia đình.

TPHCM tuyên truyền về luật phòng chống bạo lực gia đình 1
ThS. Luật Sư Đỗ Đăng Khoa - Ảnh: TTBC

Tại Điều 3, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định 16 hành vi bạo lực gia đình như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

Lăng mạ, chì chiết hoặc có hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

Bỏ mặc, không quan tâm, không nuôi dưỡng chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con đươi 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật....

Về quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nêu, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền: bảo vệ… áp dụng biện pháp ngăn chặn; bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;

Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật, thông tin về nghĩa vụ liên quan. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống, chống bạo lực gia đình.

Đối với trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, phải chấp dứt hành vi bạo lực, chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị;

Chăm sóc người bị bạo lực gia đình. Đồng thời, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức, cá nhân khác.