Sáng 15/1 tại TPHCM, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành đã thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng; thúc đẩy hạ tầng giao thông liên kết vùng; thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho rằng thời gian tới, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành các dự án trọng điểm.
Đồng Nai đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM rà soát quy hoạch, nguồn vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị kết nối TPHCM với Đồng Nai, kết nối sân bay Long Thành.
Ông Đức đề nghị TPHCM tiếp tục phối hợp tích cực trong thực hiện dự án, phối hợp để sớm mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cùng các dự án khác để giải quyết áp lực giao thông vùng.
Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho ý kiến về Quỹ phát triển hạ tầng vùng, nhận định nhu cầu phát triển hạ tầng của vùng đang rất lớn do đó cần thiết có nguồn quỹ này. Bà Hiền đề nghị các tỉnh thành có ý kiến sửa đổi các nghị định, tạo cơ chế thành lập quỹ.
Đồng thời, bà đề nghị các địa phương nhanh chóng thống nhất để sớm ban hành chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số cho vùng Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Công Vinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị các tỉnh tiếp tục đeo bám, kiến nghị ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng.
Các tỉnh, thành cần xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư đường ven biển trong giai đoạn 2026-2030, để phục vụ phát triển các cảng biển lớn trong vùng. Triển khai đường ống dẫn dầu, khí từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Long An, Đồng Nai…
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, kết luận lãnh đạo các tỉnh, thành tại hội nghị đã nhận ra tầm quan trọng của liên kết phát triển trong giai đoạn hiện nay. Địa phương phải lo cho địa phương trước tiên, nhưng để phát triển xa hơn thì cần cùng hợp tác.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng điều quan trọng hiện tại là kết nối hạ tầng vùng. Trong đó, cần khẩn trương thực hiện các dự án chiến lược, đảm bảo tiến độ các dự án vành đai, đường cao tốc.
Đối với Vành đai 3 phấn đấu thông xe kỹ thuật vào đầu năm 2026, hoàn thành toàn tuyến trong quý 2/2026. Dự án vành đai 4 phấn đấu trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm.
Ông Mãi cho biết TPHCM rất ủng hộ và sẽ tích cực tham gia cùng các tỉnh thành để kéo dài hệ thống đường sắt đô thị (metro) qua Bình Dương, Đồng Nai, tận dụng nghị quyết 98 để đề xuất thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.