TPHCM xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh

(VOH) - Ngày này cách đây 83 năm (14/10/1930 – 14/10/2013), Hội Nông dân Việt Nam ra đời, đánh dấu cột mốc ngày giai cấp nông dân Việt Nam có đoàn thể cách mạng của giai cấp, hướng dẫn, vận động giai cấp nông dân đi theo con đường xây dựng Nhà nước Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN.
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ảnh: Việt báo

Sau giai đoạn tích cực triển khai các chính sách đầu tư, phát triển khu vực nông nghiệp - nông thôn, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã tạo ra nền tảng vững chắc để hướng đến mục tiêu quan trọng hơn: Xây dựng giai cấp nông dân thành phố vững mạnh, có trình độ nhận thức phù hợp với xu thế hội nhập và tình hình mới hiện nay.

Cụ thể hóa cho chủ trương quan trọng nêu trên là các chính sách chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao-nông nghiệp đô thị và quá trình xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân TP đóng vai trò nòng cốt đã triển khai mạnh mẽ giai đoạn 5 năm trở lại đây. Với hướng đi rõ ràng cùng những hoạch định có “trọng lượng” như vậy, thành phố đã cung cấp cho bà con nông dân hai điều thiết yếu nhất là “ngôi nhà” và “cần câu” để có thể tự đứng vững trên đôi chân.

Điều này được thể hiện rõ nét trong thực tiễn đời sống nông thôn hiện nay hay qua những con số thống kê trong 5 năm qua như: mức thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn tăng hơn 40%, tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn hơn 62.000 tỷ đồng, 5 huyện ngoại thành giảm gần 46.000 hộ nghèo... Đóng góp lớn cho thành quả này là hàng loạt chương trình hành động thiết thực của Hội Nông dân TPHCM các cấp. Ông Lê Hoàng Minh - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2013 chuyên trách khu vực Nam Bộ nhận xét: "Đặc biệt, TPHCM thực hiện chương trình giảm nghèo này đã rất nhiều năm rồi. Tôi cho rằng ý nghĩa rất là lớn để tạo điều kiện cho bà con có căn nhà, ổn định cuộc sống và tiếp tục lao động sản xuất, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đang tập trung chỉ đạo".

Song song với những chương trình trao tặng nhà ở, trang thiết bị sinh hoạt, Hội Nông dân TP quán triệt chương trình hành động số 43 của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết TW 26 và chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các cấp hội không ngừng đẩy mạnh việc đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức khoa học cho cán bộ hội viên nông dân. Kết quả của quá trình này giúp lực lượng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố có thêm nhân tố mới. Ông Đoàn Kim Sơn -Giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trực tiếp tham gia sản xuất và trở thành cầu nối cho bà con tiếp cận kỹ thuật mới. Ông Đoàn Kim Sơn nói: "Đối với những vật nuôi, mình có thể hướng dẫn cho bà con chăm sóc được. Đa số bà con nông dân lại đây để học việc, học kỹ thuật thì khi mình hướng dẫn, về bà con làm tương đối hiệu quả, không có bị thất bại".

Thực tế hiện nay ghi nhận nhiều đối tượng như công nhân, tài xế, giáo viên và thậm chí là giám đốc công ty với nhiều độ tuổi khác nhau đã chủ động thay đổi ngành nghề, bước chân vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp giai cấp nông dân thành phố có sự thay đổi cơ cấu mạnh mẽ mà còn tạo ra nhiều bước đột phát trong sản xuất. Ông Huỳnh Đoàn Thông - người mạnh dạn mở cơ sở trong Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố để làm mô hình trồng rau hiện đại cho biết: "Từ ngày tham gia Khu Nông nghiệp ông nghệ cao đã đạt được nhiều thành quả. Xây dựng hệ thống canh tác tiên tiến như hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống cung cấp nước, dinh dưỡng hoàn toàn tự động. Nhờ hệ thống này mà hoạt động sản xuất hiệu quả cao và thân thiện với môi trường".

Những chuyển biến từ mặt đời sống đến lực lượng sản xuất cho thấy người nông dân thành phố đang dần thích ứng với quy luật thay đổi tất yếu của xã hội hiện nay. Trong bối cảnh đó, Hội Nông dân TP các cấp đã xác định rõ việc xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ CNH-HĐH không phải vấn đề phát triển về số lượng, mà phải tạo được sự biến đổi về chất lượng, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Nền tảng cơ bản này sẽ được đặt bên cạnh những yếu tố cốt lõi khác như việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng, kỷ cương hợp tác lao động và giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa làng quê.

Đặc biệt, bà con nông dân phải thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong quá trình CNH-HĐH đất nước. Trong năm qua, không chỉ tạo điều kiện cho bà con học tập khoa học kỹ thuật, giao lưu thể thao văn hóa, Hội Nông dân TP còn tổ chức cho cán bộ hội viên nông dân cập nhật chính sách, tin tức thời sự và đặc biệt tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cùng Luật Đất đai. Điều này khẳng định, cụ thể hóa vai trò vị trí của người nông dân TP. Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM nhận xét về ý nghĩa của các hoạt động này: "Nông dân rất quan tâm đến Hiếp pháp vì thấy có tính giải quyết những bức xúc của nông dân hiện tại. Đây là hình thức hết sức dân chủ và là dân chủ trực tiếp để xem cần bổ sung sửa đổi những nội dung bức thiết, cụ thể trong đời sống. Qua đó, hội viên nông dân thấy được trách nhiệm của mình trong sửa đổi hiến pháp".

Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã xuất hiện những luật chơi không công bằng của hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn đến từ các quốc gia phát triển đang cạnh tranh gay gắt với nông nghiệp, nông dân và kinh tế nông thôn Việt Nam. Đó là chưa kể những ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, bất ổn của thị trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, những rủi ro trong đời sống, sản xuất.

Hội Nông dân TP cùng bà con sau nhiều giai đoạn đấu tranh, phấn đấu sản xuất thì nay đã nhận thức thêm rằng, cách duy nhất để đứng vững trong cơ chế thị trường và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước là phải thực hiện thắng lợi CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân thành phố trong thời kỳ mới sẽ hội đủ 3 yếu tố sau: Trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng; là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên TW Đảng - Phó Bí thư Thành ủy TP khẳng định: "Quyền lợi của hội viên nông dân được tăng lên, các hội viên ngày càng gắn bó với tổ chức hội, tạo cơ sở cho Hội ngày một vững mạnh. Và để khích lệ, hàng năm các cấp Hội tổ chức phong trào thi đua, bình xét, khen thưởng biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, bình chọn và tôn vinh người nông dân tiêu biểu TPHCM. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận trong chỉ đạo và thực hiện các chương trình phối hợp từng cấp hội, thu hút tất cả hội viên nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi hàng năm".

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, Đảng bộ và chính quyền TPHCM luôn quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để Hội Nông dân hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả. Những gương nông dân tiêu biểu hình thành từ các phong trào thi đua cấp cơ sở được thành phố công nhận cùng những nhân tố mới không ngừng xuất hiện nhờ vào quá trình chuyển đổi tất yếu của lực lượng sản xuất sẽ đóng vai trò chủ lực cho kế hoạch đổi mới. Qua đó, có thể khẳng định, xây dựng giai cấp nông dân TPHCM vững mạnh không phải là hành trình có điểm dừng mà sẽ luôn song hành cùng quá trình phát triển đi lên không ngừng của thành phố mang tên Bác./.