Thông tin này nằm trong kế hoạch triển khai nghị quyết số 02/ NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 do UBND TPHCM ban hành.
Ngoài trường học, bệnh viện còn có Công ty điện, Công ty cấp, thoát nước, Công ty vệ sinh môi trường, Công ty viễn thông, bưu chính cũng phải phối hợp với các ngân hàng tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu phí bằng phương pháp không dùng tiền mặt.
Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Ảnh minh họa
Tổng công ty Điện lực thành phố tăng cường khuyến khích người sử dụng điện thanh toán bằng các phương thức thanh toán điện tử. Cụ thể trong năm 2019 tăng gấp đôi số người xài điện trả tiền điện bằng phương thức thanh toán điện tử.
Bảo hiểm xã hội TP có trách nhiệm thực hiện các giải pháp vận động, phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua phương tiện điện tử. Mục tiêu phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp, mai táng phí, tiền tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
UBND TP cũng giao Sở Lao động Thương binh và xã hội hội TP hướng dẫn hỗ trợ những người hưởng trợ cấp, đảm bảo ít nhất đến hết năm 2019 đạt 10% và đến hết năm 2020 và 30% số người hưởng sẽ nhận trợ cấp qua các phương thức thanh toán điện tử.
Đặc biệt, UBND TP cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê, công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.
Các nhiệm vụ trên được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.