Trả lại hệ thống thoát nước tự nhiên để chống ngập TPHCM

(VOH) - Để chống ngập nước do mưa, do triều cường, thời gian qua TPHCM đã chi khá nhiều kinh phí, song tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.

Nhiều khu vực tại TP, ngay cả khi trời không mưa nhưng đường vẫn ngập (Ảnh minh họa: LH)

Đến thời điểm này, ngập nước vẫn là một thách thức với thành phố. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sẽ cần 44 tỷ USD (tương đương 1 triệu tỷ đồng) để đầu tư hạ tầng đồng bộ, trong đó có xây dựng hạ tầng chống ngập.

Trong lúc nguồn ngân sách hạn hẹp, thành phố sẽ huy động nguồn vốn này từ đâu và hướng giải quyết sẽ như thế nào? Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn ông Trần Vĩnh Tuyến xung quanh vấn đề này:

 * VOH: Trước thực trạng nhiều kênh rạch, công trình thoát nước bị lấn chiếm, tình trạng ngập nước ngày càng diễn biến phức tạp thì thành phố đã có những chủ trương gì để giải quyết bài toán chống ngập?

- Ông Trần Vĩnh Tuyến: Hiện nay, các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố đã cùng chung sức đi kiểm tra để đảm bảo việc quy hoạch, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố. Địa bàn thành phố xét trên từng vùng, từng địa điểm đều có điểm ngập, gần như là 24 quận huyện đều có những điểm như vậy.

UBND thành phố sẽ đi hết 24 quận huyện, đặc biệt là chọn đi những điểm ngập nặng và chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề này ngay, kể cả vấn đề lâu dài cũng phải có sự đôn đốc chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá và đề xuất hướng giải quyết cụ thể từ đây đến năm 2020.

Trong tổng thể chống ngập thành phố thì phải thực hiện đúng, những nơi nào chưa đúng thì sẽ căn cứ vào những quy định của nhà nước để có sự chấn chỉnh quyết liệt, không để những lợi ích riêng của từng doanh nghiệp, từng người dân mà ảnh hưởng đến hạ tầng thành phố bị ngập.

* VOH: Đã từ rất lâu công tác chống ngập được đặt ra, tuy nhiên, nguyên nhân nào mà công tác chống ngập vẫn được triển khai mà thành phố vẫn bị ngập?

- Ông Trần Vĩnh Tuyến: Tôi cho rằng để giải quyết bài toán chống ngập của TPHCM thì cần giải quyết nhiều vấn đề; mà vấn đề cơ bản nhất mà chúng tôi thấy rằng hiện nay chúng ta có thể làm được đó là vấn đề trả lại hệ thống thoát nước tự nhiên, trả lại vị trí và trách nhiệm cho những con kênh, rạch.

Làm được điều này thì chúng ta vừa giải quyết được bài toán chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết được vấn đề sức khỏe môi trường và giải quyết được vấn đề cốt lõi là thoát nước, chống ngập cho thành phố. Đối với những công trình thoát nước có sẵn, thì chúng ta phải quan tâm bảo vệ, chống lấn chiếm, chúng ta phải duy trì, duy tu để đảm bảo chức năng thoát nước hoạt động tốt.

Và đặc biệt đối với các công trình mới theo tiêu chí quy hoạch thì nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả công trình của nhà nước cũng cần phải lưu ý là mình làm được gì cho bài toán giải quyết chống ngập của thành phố. Như vậy mới đồng bộ, thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề chống ngập cho thành phố.

* VOH: Thưa ông, trước thực trạng hạ tầng của thành phố hiện nay thì việc đồng bộ hệ thống chống ngập cho cả thành đòi hỏi một nguồn kinh phí không nhỏ. Thành phố giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Ông Trần Vĩnh Tuyến: Đối với thành phố, việc đầu tư để xử lý chống ngập phải có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, mong rằng người dân đừng vì quyền lợi riêng của mình đừng lấn chiếm kênh rạch, lấn chiếm các công trình hạ tầng ngầm.

Các doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án của thành phố thì phải quan tâm đến hệ thống chống ngập tự nhiên, quan tâm đến hệ thống chống ngập của đơn vị mình phải hòa nhập đồng bộ với hệ thống chống ngập của thành phố. Như vậy mới thể hiện được sự cộng đồng trách nhiệm. Nếu chỉ thấy lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài thì chúng ta sẽ cùng nhận một hậu quả là thành phố luôn luôn bị ngập, và bài toán chống không thể giải quyết căn cơ được.

Trong một chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thì dự kiến từ nay đến năm 2025 thì thành phố cần một nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư chống ngập, ước tính khoảng 1 triệu tỷ đầu tư cho hạ tầng đô thị của thành phố. Tất nhiên là có nhiều vấn đề hạ tầng.

Để giải quyết bài toán tìm 1 triệu tỷ này, chúng tôi đã tổ chức những buổi hội thảo để tính toán nguồn lực xã hội tham gia chứ không chỉ sử dụng ngân sách, ngân sách chỉ đóng một phần rất nhỏ thôi. Có thể là vốn đối ứng để chúng ta kêu gọi thêm nhiều nguồn vốn khác, khai thác tối đa khả năng của các doanh nghiệp cũng như là các nhà đầu tư quan tâm đến bài toán phát triển hạ tầng đô thị của TPHCM. Tôi cho rằng phát triển hạ tầng thành phố sẽ là một đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của TPHCM này.

* VOH: Xin cảm ơn ông!

Bình luận